Thẻ

, ,

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một trong những con chim đầu đàn của nền âm nhạc chuyên nghiệp mới Việt Nam đồng thời là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Người ta đánh giá ông là người nhạc sĩ đã viết lịch sử cách mạng bằng những ca khúc của mình. Cuộc đời và tác phẩm của ông luôn gắn bó với quá trình đấu tranh giành Độc Lập Tự Do của nhân dân ta. Ông đã sáng tác nhiều hành khúc, nhiều ca khúc và ca khúc hợp xướng. Nhiều ca khúc của ông đã trở thành biểu tượng của những giai đoạn, những sự kiện lớn lao của Cách mạng Việt Nam, trong đó có bài hát Giải phóng Miền Nam.

Thời còn nhỏ, ở gia đình, ông đã từng biết chơi thành thạo một số nhạc cụ cổ truyền, năm 15 tuổi đã có sáng tác đầu tay Non sông gấm vóc viết cho đàn nguyệt độc tấu. Nhưng với lòng yêu nước nồng nhiệt, mong muốn góp phần thức tỉnh lòng yêu nước, chí quật cường, lòng tự hào đân tộc của các tầng lớp nhân dân, ông đã bằng bản năng nhạy bén của người nghệ sĩ, đi hẳn vào thể loại ca khúc quần chúng, chủ yếu nhằm cổ vũ đấu tranh, đó là những bài hành khúc hoặc mang tính hành khúc, bên cạnh một số bài hát mang tính tự sự hoặc bài hát dùng trong kịch nói, ca cảnh…

Ông có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc mới Việt Nam, trong đó có công là một trong những người sáng tác nhạc đầu tiên đã sử dụng thể loại hành khúc, một thể loại vốn không có trong âm nhạc dân gian, dân tộc cổ truyền Việt Nam, mà du nhập từ âm nhạc phương Tây. Thể loại hành khúc hầu như bao trùm trong các bài hát yêu nước của ông, và sau này, khi viết những bài ca cách mạng trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, có thể nói cũng là thể loại chính mà ông đã sử dụng.

Chính vì sử dụng thể loại hành khúc mà các bài hát của ông nhanh chóng lan truyền sâu rộng vào các tầng lớp nhân dân, có sức cuốn hút, cổ vũ, thức tỉnh, nhất là trong thanh niên,sinh viên, học sinh trước Cách mạng Tháng Tám và trong những giai đoạn sau này. Đã từng tham gia phong trào Sói con và Hướng đạo sinh cho đến tận năm 1945, người viết bài này đã được hát những bài hát của ông trong sinh hoạt lửa trại và cho đến tận hôm nay vẫn còn nhớ được những bài Bạch Đằng giang, Xếp bút nghiên, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên…, là những ký ức âm thanh không thể phai mờ. Và chính những bài hát ấy đã là bước chuẩn bị cho những bài hát cách mạng của ông sau này, như Đoàn quân du kích, Tuyên truyền xung phong, Đoàn quân địch vận, Tuổi hai mươi, Sẵn sàng bắn, Hành khúc giải phóng (cộng tác với Hoàng Hiệp và Huỳnh Văn Tiểng), Bài hát giải phóng quân, Xuống đường, Tiến về Sài Gòn, Giải phóng Miền Nam….

Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” tại các tỉnh miền Nam dẫn đến sự thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt nam ngày 20 tháng 12 năm 1960 đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, và cũng là sự thôi thúc cho bài hát Giải phóng miền Nam ra đời. Là người con của miền Nam, lòng luôn luôn cháy bỏng một tình yêu tha thiết, một quyết tâm giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đặt tất cả tình cảm, trái tim mình trong bài hát (lời ca của Hoàng Mai Lưu), viết trong năm 1961, và bài hát đã nhanh chóng lan truyền trong cả nước, làm nức lòng người.

Giai điệu hùng mạnh, sục sôi khí thế, tiết tấu hành khúc vững chắc mà tràn đầy hứng khởi, dẫn đến cao trào bùng nổ Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng, Vùng lên ! xông pha vượt qua bão bùng… để rồi bừng sáng lên, thôi thúc trong đoạn cuối Vận nước đã đến rồi, Bình minh chiếu khắp nơi, Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời…, nói lên đúng những khát vọng nung nấu trong tim hàng triệu người Việt Nam khi ấy đã khiến bài hát có mặt khắp nơi trong mọi sinh hoạt tập thể của quân và dân ta thời đó, ai cũng thuộc, cũng gứi gấm cả lòng mình trong lời ca tiếng hát ấy. Mà khi ấy chắc cũng ít người biết được tác giả Huỳnh Minh Siêng của bài hát chính là người nhạc sĩ yêu mến, tác giả của những bài hát mà mọi người từng hát ngày ngày: Lưu Hữu Phước!

Bài hát giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ, nhịp điệu đơn giản, dễ phổ cập, đúng như nguyên tắc mà khi sinh thời ông tự đề ra cho chính mình “… làm bài hát mà nhân dân hát không đúng là do mình soạn sai, chứ không phải nhân dân hát sai…Tôi vận dụng mọi thứ kỹ thuật trong vốn hiểu biết ít ỏi của tôi để làm cho bài hát dễ phổ biến hơn và diễn đạt được sát hơn…”.

Bài hát Giải phóng miền Nam cùng nhiều bài hát khác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước,  di sản quý báu của một tác giả mà toàn bộ cuộc sống gắn liền với cuộc sống lao động và chiến đấu của đất nước, của nhân dân, gắn liền với nền âm nhạc chuyên nghiệp mới của Việt Nam, đã và còn tiếp tục để lại dấu ấn sâu đậm trong sử nhạc cũng như trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam.

Vũ Tự Lân

(Bài viết đã đăng trên báo Nhân Dân)