Edvard Grieg – nhạc sĩ lãng mạn tài năng của đất nước Na Uy

Thẻ

, , ,

Edvard Grieg sinh ngày 15 tháng 6 năm 1843 ở Bergen. Grieg có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, năm 12 tuổi đã tập sáng tác. Năm 1858, Grieg theo học nhạc viện Leipzig ở Đức cho đến năm 1862 thì trở về nước. Từ đó ông tiếp tục trau dồi nghệ thuật, viết những tác phẩm thấm đượm màu sắc của đất nước phương Bắc xa xôi này, trở thành người đi đầu kiệt xuất nhất của nền âm nhạc kinh điển Na Uy và có ảnh hưởng tốt đẹp cho sự phát triển của dòng âm nhạc lãng mạn của châu Âu trong thế kỷ 19.

Tác phẩm âm nhạc ông viết cho vở kịch nói của văn hào Ibsen, vở ” Peer Gynt”, đã khiến tên tuổi của ông được toàn thế giới biết đến và được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Nàng Solveigh- người tình trung thủy trọn đời.

Diễn biến, bối cảnh và các nhân vật của vở kịch nói Per Gynt của đại văn hào Henrich Ibsen lấy từ chuyện dân gian Na Uy thể hiện cách nhìn mang màu sắc châm biếm của ông về thân phận một con người. Ở đây, những con quỷ khổng lồ tiêu biểu cho những gì là xấu xa còn tiềm ẩn trong bản chất con người, còn nàng Solveigh tượng trưng một nhân vật phỏng dụ thủy chung và nhân nghĩa. Ngay cả Peer, mặc dù vô lại và ngu đần, cũng có những nét hấp dẫn nhất định, một phần cũng vì tính cách luôn luôn lạc quan, biết thích nghi với mọi hoàn cảnh để tìm ra lối thoát. Có lẽ khi phản ánh cả tính thiện và ác của con người đương đại, Peer đã phản ánh cái mà hầu như ai cũng có thể nhận thấy ở chính mình.

Nhạc sĩ Edvard Grieg đã sáng tác 23 khúc nhạc cho vở kịch nói của Ibsen nhằm khắc họa những khung cảnh trữ tình kịch tính, cảnh sắc thiên nhiên Na Uy và những cảnh sinh hoạt dân gian, do đó đưa nội dung âm nhạc viết cho vở kịch gần lại với nhưng nguồn gốc thơ ca dân gian. Cuối những năm 80, dựa trên những khúc nhạc cho kịch nói này Grieg đã soạn thành 2 tổ khúc cho dàn nhạc, lấy tên là Per Gynt.

Mở đầu câu chuyện là cảnh Peer Gynt đang bịa chuyện với mẹ hắn, bà Ase, rằng hắn đã săn được một con hươu. Chán ngấy thói nói dối của hắn, bà nói rằng lẽ ra hắn phải cưới Ingrid vì của hồi môn của nàng có thể sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo khổ, nhưng nàng lại sắp sửa cưới một người khác vào ngày hôm sau rồi. Peer thề sẽ phá đám cưới. Bà Ase phản đối, thế là hắn ném bà lên mái nhà. Peer đến đám cưới cướp cô dâu Ingrid, vác lên vai  chạy lên núi, nhưng sau đó bỏ Ingrid lại đó trong trang phục cô dâu, nói với nàng rằng hắn muốn có một người đàn bà khác. ở đây là khúc nhạc mang tên Cướp đoạt cô dâu Ingrid và những lời than thở của nàng. Khúc nhạc mang đậm màu sắc kịch tính, mở đầu và kết thúc bằng những âm thanh xáo động, đầy phẫn nộ, phần giữa là những âm hưởng xót xa, than vãn. Dân làng làng đổ đi tìm bắt Per Gynt, nhưng hắn được ba cô gái chăn lợn giúp ẩn trốn. Peer lại tán tỉnh cô gái áo xanh, hóa ra cô ta lại là con gái của Quỷ Núi. Peer cùng cô gái cưỡi trên lưng lợn chạy về lâu đài của Quỷ Núi. Khi nét nhạc mang tên Trong lâu đài của Quỷ Núi đầy ấn tượng được lặp đi lặp lại một cách cuồng nhiệt, là lúc những con Quỷ khổng lồ đòi giết Peer vì hắn dám quyến rũ công chúa. Âm nhạc ở đây không mang tính chất sinh hoạt, đùa cợt, mà hoang dã, quỷ quái. Với bản lĩnh bậc thầy, tác giả đã phát triển âm nhạc từ chỗ cho bè trầm dẫn chủ đề một cách bí ẩn, thầm thì ở sắc thái cực nhỏ (pp), tăng dần cường độ và nâng cao dần âm vực, cho đến lúc chủ đề vang lên mạnh mẽ, vang dội.

Peer đang ở trong rừng để trốn tránh dân làng. Hắn dựng một túp lều để cùng chung sống với nàng Solveigh chung thủy. Nhưng bị ám ảnh bởi hình ảnh cô vợ khổng lồ và đứa con quái dị mà hắn đã có với cô ta, hắn rời bỏ Solveigh, nhưng vẫn hy vọng nàng sẽ đợi chờ cho đến khi hắn được cứu rỗi linh hồn. Trước khi ra đi hắn đến thăm mẹ đang nằm chờ chết trong một túp lều lụp sụp vì tất cả của cải trong nhà đã phải đem nộp phạt vì hắn đã bắt cóc Ingrid. Tiếng nhạc thê lương xây dựng trên một môtíp nhạc nhắc đi nhắc lại, báo hiệu Cái chết của bà Ase, đã đi theo những giây phút cuối đời của bà Ase.

Khúc nhạc nổi tiếng mở đầu cho Tổ khúc Per Gynt số 1 của Grieg có tên gọi Buổi sáng miêu tả không phải cảnh mặt trời mọc trên núi đồi Na Uy, mà lại miêu tả cảnh mặt trời mọc trên sa mạc Sahara, vùng đất Bắc Phi mà Peer đến sinh sống sau khi chia tay với nàng Solveigh.

Trong khi đi lang thang trên sa mạc, Peer chứng kiến câu chuyện giữa tên ăn cắp ngựa và tay tiêu thụ đồ ăn cắp. Bị những người A rập truy đuổi, chúng tháo chạy vứt bỏ những đồ ăn cắp lại trong đó có con ngựa trắng của viên tộc trưởng A rập. Peer đã chiếm lấy những của cải này. Được chào đón như một nhà tiên tri tại trại của người A rập, Peer được thưởng thức một màn múa A rập  thanh lịch và duyên dáng.

Nàng Anitra, con gái viên tộc trưởng, trình diễn một điệu múa tràn đầy màu sắc phương Đông trong giai điệu và tiết tấu, thu hút lòng người, nhưng không phải vì thế mà Peer tha bắt cóc Anitra, vẫn đặt nàng lên con ngựa trắng và phóng ngựa ra đi.

Peer Gynt cuối cùng cũng trở về quê hương Na Uy trên một con tầu chở những của cải hắn đã kiếm được, nhưng tầu đã va phải đá ngầm và chìm dần. Peer thoát chết nhờ bám được vào một mảnh gỗ để bơi vào bờ. Đặt chân lên đất liền, Peer lại trở về với quá khứ, và một đêm kinh hoàng diễn ra. Thần Chết xuất hiện cảnh báo rằng hắn sẽ chết nếu không chứng minh được sự ăn năn, hối cải của mình. Trong khúc nhạc này,với tên gọi Per Gynt trở về quê Grieg đã sử dụng một phương thức đầy xúc động với sự pha trộn những tiếng thì thầm, những môtíp nhạc kèn đồng, tiếng như gió rít của kèn gỗ độc tấu, tạo nên tiếng gió, tiếng gào thét của sóng biển và sấm chớp.

Cuối cùng Peer quay về với nàng Solveigh, nay đã già nua mù lòa như hắn. Solveigh không một lời kết tội Peer, và với tất cả tình yêu và sự tha thứ bao dung, nàng kéo Peer về phía mình, vỗ về cho hắn nghỉ ngơi trong khi Thần chết thì gào rú lên báo rằng sẽ đến lôi hắn đi khi đường đời của hắn kết thúc.

Chúng ta đã từng được nghe bài hát Bài ca nàng Solveigh trữ tình đằm thắm mà đượm màu sầu thương da diết, có giai đẹp tuyệt vời , một bài hát đã làm rung động bao trái tim, tiếc thương cho một tình yêu say đắm thủy chung, nhưng có lẽ cũng không biết rằng bài hát ấy chính là bài ca kết thúc trong vở kịch cũng như trong Tổ khúc Peer Gynt của người nhạc sĩ Na Uy tài năng.

Vũ Tự Lân

(Bài viết đã đăng trên Tạp chí Nghe nhìn)

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và bài hát Giải phóng Miền Nam

Thẻ

, ,

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một trong những con chim đầu đàn của nền âm nhạc chuyên nghiệp mới Việt Nam đồng thời là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Người ta đánh giá ông là người nhạc sĩ đã viết lịch sử cách mạng bằng những ca khúc của mình. Cuộc đời và tác phẩm của ông luôn gắn bó với quá trình đấu tranh giành Độc Lập Tự Do của nhân dân ta. Ông đã sáng tác nhiều hành khúc, nhiều ca khúc và ca khúc hợp xướng. Nhiều ca khúc của ông đã trở thành biểu tượng của những giai đoạn, những sự kiện lớn lao của Cách mạng Việt Nam, trong đó có bài hát Giải phóng Miền Nam.

Thời còn nhỏ, ở gia đình, ông đã từng biết chơi thành thạo một số nhạc cụ cổ truyền, năm 15 tuổi đã có sáng tác đầu tay Non sông gấm vóc viết cho đàn nguyệt độc tấu. Nhưng với lòng yêu nước nồng nhiệt, mong muốn góp phần thức tỉnh lòng yêu nước, chí quật cường, lòng tự hào đân tộc của các tầng lớp nhân dân, ông đã bằng bản năng nhạy bén của người nghệ sĩ, đi hẳn vào thể loại ca khúc quần chúng, chủ yếu nhằm cổ vũ đấu tranh, đó là những bài hành khúc hoặc mang tính hành khúc, bên cạnh một số bài hát mang tính tự sự hoặc bài hát dùng trong kịch nói, ca cảnh…

Ông có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc mới Việt Nam, trong đó có công là một trong những người sáng tác nhạc đầu tiên đã sử dụng thể loại hành khúc, một thể loại vốn không có trong âm nhạc dân gian, dân tộc cổ truyền Việt Nam, mà du nhập từ âm nhạc phương Tây. Thể loại hành khúc hầu như bao trùm trong các bài hát yêu nước của ông, và sau này, khi viết những bài ca cách mạng trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, có thể nói cũng là thể loại chính mà ông đã sử dụng.

Chính vì sử dụng thể loại hành khúc mà các bài hát của ông nhanh chóng lan truyền sâu rộng vào các tầng lớp nhân dân, có sức cuốn hút, cổ vũ, thức tỉnh, nhất là trong thanh niên,sinh viên, học sinh trước Cách mạng Tháng Tám và trong những giai đoạn sau này. Đã từng tham gia phong trào Sói con và Hướng đạo sinh cho đến tận năm 1945, người viết bài này đã được hát những bài hát của ông trong sinh hoạt lửa trại và cho đến tận hôm nay vẫn còn nhớ được những bài Bạch Đằng giang, Xếp bút nghiên, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên…, là những ký ức âm thanh không thể phai mờ. Và chính những bài hát ấy đã là bước chuẩn bị cho những bài hát cách mạng của ông sau này, như Đoàn quân du kích, Tuyên truyền xung phong, Đoàn quân địch vận, Tuổi hai mươi, Sẵn sàng bắn, Hành khúc giải phóng (cộng tác với Hoàng Hiệp và Huỳnh Văn Tiểng), Bài hát giải phóng quân, Xuống đường, Tiến về Sài Gòn, Giải phóng Miền Nam….

Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” tại các tỉnh miền Nam dẫn đến sự thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt nam ngày 20 tháng 12 năm 1960 đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, và cũng là sự thôi thúc cho bài hát Giải phóng miền Nam ra đời. Là người con của miền Nam, lòng luôn luôn cháy bỏng một tình yêu tha thiết, một quyết tâm giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đặt tất cả tình cảm, trái tim mình trong bài hát (lời ca của Hoàng Mai Lưu), viết trong năm 1961, và bài hát đã nhanh chóng lan truyền trong cả nước, làm nức lòng người.

Giai điệu hùng mạnh, sục sôi khí thế, tiết tấu hành khúc vững chắc mà tràn đầy hứng khởi, dẫn đến cao trào bùng nổ Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng, Vùng lên ! xông pha vượt qua bão bùng… để rồi bừng sáng lên, thôi thúc trong đoạn cuối Vận nước đã đến rồi, Bình minh chiếu khắp nơi, Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời…, nói lên đúng những khát vọng nung nấu trong tim hàng triệu người Việt Nam khi ấy đã khiến bài hát có mặt khắp nơi trong mọi sinh hoạt tập thể của quân và dân ta thời đó, ai cũng thuộc, cũng gứi gấm cả lòng mình trong lời ca tiếng hát ấy. Mà khi ấy chắc cũng ít người biết được tác giả Huỳnh Minh Siêng của bài hát chính là người nhạc sĩ yêu mến, tác giả của những bài hát mà mọi người từng hát ngày ngày: Lưu Hữu Phước!

Bài hát giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ, nhịp điệu đơn giản, dễ phổ cập, đúng như nguyên tắc mà khi sinh thời ông tự đề ra cho chính mình “… làm bài hát mà nhân dân hát không đúng là do mình soạn sai, chứ không phải nhân dân hát sai…Tôi vận dụng mọi thứ kỹ thuật trong vốn hiểu biết ít ỏi của tôi để làm cho bài hát dễ phổ biến hơn và diễn đạt được sát hơn…”.

Bài hát Giải phóng miền Nam cùng nhiều bài hát khác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước,  di sản quý báu của một tác giả mà toàn bộ cuộc sống gắn liền với cuộc sống lao động và chiến đấu của đất nước, của nhân dân, gắn liền với nền âm nhạc chuyên nghiệp mới của Việt Nam, đã và còn tiếp tục để lại dấu ấn sâu đậm trong sử nhạc cũng như trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam.

Vũ Tự Lân

(Bài viết đã đăng trên báo Nhân Dân)

 

 

Tchaikovsky

Thẻ

, ,

“… Tôi lớn lên trong một vùng thâm sơn cùng cốc, – Tchaikovsky viết về thời thơ ấu của mình, – ngay từ nhỏ đã đắm mình trong vẻ đẹp của âm nhạc dân gian Nga… Tôi yêu say mê nhân tố Nga trong mọi cách biểu hiện … Tôi là người Nga với đầy đủ ý nghĩa của từ ngữ này”.

Pyotr Ilyich Tchaikovsky sinh ngày 7 tháng 5 năm 1840 tại thị trấn Votkinsk vùng Ural, nơi bố ông làm giám đốc một nhà máy. Mẹ ông là người say mê âm nhạc, hát và đàn được piano, là người đầu tiên đưa âm thanh tuyệt vời của những bài hát Nga đến với Tchaikovsky. Cũng chính vì thế mà suốt đời mỗi khi nghe bài Chim họa mi của Alabiev là ông không cầm được nước mắt vì nó gợi lại những kỷ niệm thời thơ ấu, gợi lại hình ảnh người mẹ thân thương. Và cũng vào thời thơ ấu ấy, chiều chiều Tchaikovsky đứng trên bancông căn nhà nhỏ nhìn về phía hồ gần nhà máy, nơi vọng đến bài hát của những người dân chài.

Tình yêu âm nhạc đã có từ những ngày xa xưa ấy, nhưng bố mẹ lại không muốn cho con theo con đường nghệ thuật (thời ấy chỉ có hai nghề được xã hội trọng vọng, đó là luật sư hoặc bác sĩ) nên gửi Tchaikovsky đến Petersburg học ở trường trung cấp luật. Sau khi ra trường và làm công chức tòa án được ít lâu, nghe theo lời khuyên của A.Rubinstein, khi ấy là giáo sư đàn piano, Tchaikovsky bỏ nghề luật và thi vào nhạc viện Petersburg. Sau khi tốt nghiệp, Tchaikovsky về Maxcơva, rồi trở thành giáo sư của nhạc viện thành phố. Ông hoạt động âm nhạc trong các lĩnh vực sáng tác, lý luận, sư phạm. Trong khoảng 12 năm (từ 1865-1877) ông đã sáng tác nhiều tác phẩm như : 3 bản giao hưởng, concerto số 1 cho piano, 4 vở nhạc kịch trong đó nổi bật có vở Người thợ rèn Vacula (sau đổi là Cherevichki), vũ kịch Hồ thiên nga, 3 khúc mở màn : Romeo và Juliet, Bão tố, Francesca và Rimini, một số tác phẩm thính phòng gồm Những biến tấu trên chủ đề Rococo cho cello, tổ khúc cho pianô Bốn mùa và nhiều romance. Tình hình xã hội ngạt thở, bế tắc và cuộc hôn nhân không thành (với cô sinh viên Antonina Milyucova, chỉ ở với nhau được 9 tuần lễ) đã làm cho Tchaikovsky rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trong một thời gian. Ông thường thích sống ở những nơi yên tĩnh, xa thành phố và đi chu du ở nước ngoài . Năm 1878 ông hoàn thành bản giao hưởng số 4 và nhạc kịch Evgeny Onyegin. Được bà triệu phú Nadezha von Meck đỡ đầu về kinh tế, Tchaikovsky yên tâm sáng tác. Thời gian này ông viết nhiều thể loại nhưng lại ngừng viết giao hưởng. Tuy nhiên vẫn có những tác phẩm lớn ra đời cho dàn nhạc như: Italian caprice, Serenade cho đàn dây, overture Năm 1812, Concerto cho violon, Concerto số 2 cho piano; hai vở nhạc kịch Cô gái Orléans  và Mazeppa.

Giữa những năm 80, Traicốpxki tham gia một hoạt động mới là làm nhạc trưởng, biểu diễn khắp nơi trong và ngoài nước. Thời gian này ông viết giao hưởng Manfred và bản giao hưởng số 5. Vinh quang của ông lên đến tột đỉnh vào những năm 90. Năm 1893 ông được tặng học vị tiến sĩ của trường đại học tổng hợp Cambridge ở Anh.

Những năm cuối đời là thời kỳ sáng tác dồi dào nhất của Tchaikovsky. Những tác phẩm mang mầu sắc bi kịch là những đỉnh cao: opera Con đầm pích (Queen of Spades),  bản giao hưởng số 6. Bên cạnh những tác phẩm bi kịch, ông còn viết những tác phẩm mang những cung điệu ấm áp, trong sáng như: vũ kịch Người đẹp ngủ (The sleeping beauty), Chiếc kẹp hạt dẻ (Nutcracker), opera Yolanta.

Tchaikovsky mất ngày 25-10-1893 ở Petersburg sau một tuần lễ chỉ huy bản giao hưởng cuối cùng của mình.

Ông là một trong những nhạc sĩ Nga vĩ đại nhất của thế kỷ 19, đồng thời cũng là một trong những nhạc sĩ Nga được châu Âu và thế giới quen thuộc nhất ngay từ khi còn sinh thời cho đến ngày nay. Tchaikovsky thành công trong rất nhiều thể loại : giao hưởng, opera, vũ kịch, nhạc thính phòng, hoà tấu, rômăng .v.v… Bên cạnh công việc sáng tác, nhạc sĩ còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, lý luận phê bình âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc. Trong khi “Nhóm khoẻ” hoạt động âm nhạc chủ yếu ở Petersburg thì Tchaikovsky hoạt động chủ yếu ở Maxcơva.

Là một nghệ sĩ hiện thực sâu sắc, Tchaikovsky phản ánh trong tác phẩm của mình những thực tế của cuộc sống xã hội Nga.

Bản giao hưởng số 4 giọng Fa thứ nói lên sự liên quan của một con người riêng lẻ với nhân dân, của con người với môi trường xã hội, là những mối đe doạ của số phận khắc nghiệt mà con người vấp phải trong bước đường đi lên của mình. Đồng thời những biến cố đau buồn trong đời sống riêng tư của Tchaikovsky, cuộc hôn nhân tan vỡ của ông với nàng Antonina Milyucova cũng càng tăng thêm kịch tính gay gắt cho những vấn đề đang đặt ra thời đó về số phận con người. Chính ông thổ lộ rằng “… không có một dòng nhạc nào trong bản giao hưởng ấy mà không thấm đẫm tình cảm của tôi, không là tiếng vọng chân thành của những xúc động trong tâm hồn tôi. Bản nhạc mãi mãi là tác phẩm mà tôi yêu quý nhất vì nó là kỷ niệm của một thời mà tôi trải qua những đau khổ và tuyệt vọng khủng khiếp đến muốn phát điên lên, thậm chỉ muốn tự huỷ bỏ con người mình, thì bất chợt bừng lên ánh sáng bình minh rạng rỡ của sự hồi sinh và hạnh phúc”. Tính chất triết lý sâu sắc, tâm lý tinh tế, khúc thức, hoà âm phối khí chặt chẽ, giai điệu uyển chuyển, đẹp đẽ chính là phong cách của Tchaikovsky, một nhạc sĩ đã tiếp thu một cách sáng tạo âm nhạc cổ điển và lãng mạn, hoàn chỉnh và làm phong phú cho nền âm nhạc Nga. Đồng thời ông cũng là người biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc dân tộc và những tinh hoa của âm nhạc thế giới. Do đó âm nhạc của ông đã được phổ biến rộng rãi không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới.

Thông qua những hình tượng âm nhạc độc đáo, mãnh liệt, Tchaikovsky trong bản giao hưởng số 6  đã miêu tả chủ đề cuộc đấu tranh của con người chống lại định mệnh, bộc lộ thế giới nội tâm của một người đi tìm hạnh phúc; đồng thời nói lên suy nghĩ của ông về sức mạnh của nhân dân, coi đó là nơi mà con người phải lấy làm chỗ dựa, phải hướng về trong những phút nặng nề của cuộc đời.

Đây là tác phẩm ông viết với một niềm hứng khởi khác thường, chỉ trong gần 2 tháng đã hoàn thành bản nháp, tháng 8 đã xong phần phối dàn nhạc. Tháng 10 đã công diễn lần đầu tại thành phố Petersburg, do chính tác giả chỉ huy.

Bản giao hưởng xứng đáng được gọi là giao hưởng bi kịch, với những hình tượng âm nhạc cực kỳ khái quát hoá. Sự xung đột của con người với thực tại diễn ra hết sức gay gắt. Chương 1 cho thấy khát vọng của con người vươn tới sự trong sáng và tốt đẹp nhưng đã không đạt được, và cuộc đấu tranh còn tiếp diễn. Chương 2 là một điệu valse trong sáng trữ tình, hoàn toàn tương phản với chương 1 và các chương tiếp sau, như một thứ ngưng nghỉ, thư giãn tạm thời sau những va chạm đầy kịch tính. Chương 3 là một kiểu hành khúc, tràn đầy nghị lực, được coi như một cao trào kịch tính thứ hai của toàn bộ tác phẩm. Với chương 4, thoạt đầu Tchaikovsky dự định viết theo kiểu một chương kết mang tính hành khúc tang lễ, nhưng để hai chương hành khúc cạnh nhau là điều cần tránh nên ông viết chương kết này như một lời độc thoại đau thương, nhưng cũng nhấn mạnh khía cạnh trữ tình như biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của con người.

Theo lời khuyên của người em là Modest Tchaikovsky, ông thay tên gọi ban đầu Bản giao hưởng có tiêu đề thành Giao hưởng bi thương. Giao hưởng số 6 là thành tựu cao nhất của ông trong lĩnh vực sáng tác giao hưởng, là nơi bộc lộ trọn vẹn nhất những nét tiêu biểu trong phong cách giao hưởng của ông.

Bản giao hưởng như một lời trăn trối của ông, vì chỉ vài ngày sau khi bản giao hưởng được công diễn, Tchaikovsky đột ngột qua đời trong lúc thiên tài âm nhạc của ông còn đang đạt đến đỉnh cao sáng tạo.

Vũ Tự Lân

(Bài viết đã đăng trên “Tạp chí Nghe Nhìn”)

Nhạc Mỹ

Thẻ

, , ,

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong chương trình âm nhạc thính phòng và giao hưởng hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị và các bạn thưởng thức bản Concerto viết cho kèn clarinet hòa tấu với dàn dây, đàn harpe và piano của nhạc sĩ aaron Copland, bản Sonate cho kèn clarinet và Những dị bản mang tên Phía trời Tây của nhạc sĩ Leonard Bernstein, là những nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng của thế kỷ 20.

Aaron Copland sinh ở New-York năm 1900 và mất năm 1990 cũng ở New-York, là người Mỹ gốc Nga. Ông là nhạc sĩ sáng tác kiêm nghệ sĩ đàn piano và chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng, là nhạc sĩ Mỹ đầu tiên được nước ngoài công nhận có màu sắc dân tộc trong sáng tác. Ông theo học lý thuyết âm nhạc với thầy Rubin Goldmark, đến năm 1921 sang Paris học liền trong 3 năm ở nhạc sĩ Nadia Boulanger, giáo sư nhạc viện Paris, người có uy tín lớn trong giảng dạy về sáng tác. Trở về nước, Copland viết bản giao hưởng cho đàn đại phong cầm và dàn nhạc, biểu diễn lần đầu tiên năm 1925 và ngay sau đó nổi tiếng là một tín đồ của loại nhạc nghịch tai. Nhạc trưởng Damrosch nhận xét: “Nếu ở tuổi 23 anh ta đã viết được loại nhạc như thế này thì chỉ 5 năm nữa thôi là đã có thể can tội giết người rồi!”. Năm 1927 Copland đưa nhiều nhân tố nhạc jazz vào sáng tác để giảm bớt “mùi vị châu Âu” trong âm nhạc của chính ông, nhưng đến năm 1930 lại chuyển sang một phong cách âm nhạc khắc khổ hơn. Trong những năm 30, ông nhiều lần viếng thăm xứ Mêhicô và viết tác phẩm El salon Mexico nổi tiếng, tràn đầy những âm hưởng dân gian Mêhicô, đồng thời cho ra đời liên tiếp âm nhạc cho các vở balê Billy the kid, Rodeo Mùa xuân ở Appalachian.

Những năm về sau Copland sáng tác ít đi, chuyển sang giảng dạy âm nhạc, mang đôi đũa chỉ huy đi khắp thế giới dàn dựng, giới thiệu âm nhạc của đất nước mình. Năm 1937 ông thành lập Liên minh những nhạc sĩ sáng tác Mỹ, năm 1944 nhận giải thưởng Pulitzer về âm nhạc và nhiều giải thưởng khác nữa.

Bản Concerto cho kèn clarinet hòa tấu với dàn dây, đàn harpe và piano ông viết năm 1948 theo đặt hàng của nghệ sĩ kèn clarinet jazz kiệt xuất Benny Goodman. Phần đầu là những nét giai điệu quyến rũ, tiếp đến một đoạn cadence phô diễn kỹ xảo của cây kèn và kết thúc trong một tiết nhịp nhanh, vui tươi.

Nhạc sĩ Leonard Bernstein sinh năm 1918 tại bang Massachusetts, mất năm 1990 tại New-York, là nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ đàn piano và chỉ huy dàn nhạc. Năm 1939 vào học chỉ huy dàn nhạc tại Học viện Curtis, thể hiện một tài năng xuất sắc ngay khi còn trên ghế nhà trường. Năm 1943 ông được mời về chỉ huy dàn nhạc Philácmônic của thành phố New-York, dàn dựng và biểu diễn nhiều tác phẩm của các bậc thày về sáng tác của thế giới.

Ông bắt đầu chuyển sang chỉ huy dàn nhạc opera từ năm 1946, chỉ huy và dàn dựng tại những nhà hát như La Scala, New-York Metropolitain, đồng thời được mời chỉ huy nhiều dàn nhạc giao hưởng lớn. Về phương diện sáng tác,  ông viết những vở operette như Chàng thật thà dựa theo tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Voltaire, và chuyển soạn Romeo và Juliet của Shakespeare thành vở nhạc kịch Phía trời Tây, thành công rực rỡ.

Bản sonate cho clarinet ông viết năm 1942 mang đậm màu sắc suy tư trữ tình, gồm 2 phần ở hai tốc độ khác nhau, phần 2 âm nhạc trong sáng mang nhiều tính chất nhảy múa.

Bản Những dị bản-Phía trời Tây viết cho kèn clarinet mang nhiều màu sắc kịch tính, xung đột gay gắt, đan xen với những nét trữ tình thơ mộng như chính vở nhạc kịch Câu chuyện phía trời Tây của ông.

Vũ Tự Lân

(Bài viết phát trên sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam)

Nhạc Jazz

Thẻ

, , ,

I- Nguồn gốc xuất xứ của nhạc Jazz.

Nhạc Jazz là một sáng tạo nghệ thuật của những người da đen cư trú ở Mỹ- là những người Mỹ da đen. Đừng nhầm lẫn với những người da đen châu Phi. Môi trường châu Phi thời ấy không có điều kiện để sản sinh ra loại nghệ thuật đặc biệt này.

Tại sao người da đen châu Phi lại xuất hiện nhiều tại châu Mỹ, là một nơi chỉ có cư dân bản địa là người da đỏ (indien) vốn từ châu á thiên di sang từ 25.000 năm trước khi Cristoph Colombo phát hiện ra châu Mỹ (năm 1492). Những bộ lạc da đỏ sinh sống ở các vùng đất phì nhiêu Bắc Mỹ, và đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển cao.

Sau khi phát hiện ra châu Mỹ, các nước châu Âu đưa quân sang chiếm các vùng đất màu mỡ của châu Mỹ, trong đó người Anh chiếm các vùng Bắc Mỹ, đẩy người da đỏ bản địa lên các vùng đồi núi, bắt đầu khai khẩn tài nguyên, vàng, bạc, mở những đồn điền lớn. Vì thiếu nhân công, người da trắng bắt đầu bắt bớ, cưỡng ép, lừa gạt người da đen châu Phi sang làm nô lệ ở châu Mỹ. Đó là nguyên nhân sự có mặt của người da đen châu Phi ở châu Mỹ.

Nhạc Jazz của người Mỹ da đen hình thành từ 3 nguồn chính: nhạc spirituals (loại nhạc tôn giáo- tâm linh của người da đen, là sự pha trộn nhạc thánh ca Thiên chúa giáo với những âm hưởng, lối phát âm, cách thể hiện đặc thù của người da đen), nhạc blues (là loại bài hát rất đặc thù, với thang âm, lối diễn tấu, v.v… cũng pha trộn giữa âm nhạc châu Âu da trắng với những đặc thù của âm nhạc châu Phi mà người nô lệ da đen mang theo từ quê hương, từ thời xa xưa, từ những thế hệ đầu tiên bị bắt đưa sang châu Mỹ làm nô lệ ) và nhạc ragtime ( loại nhạc cho piano của những nghệ sĩ piano da đen, với tiết tấu đảo phách ở tay phải và tiết tấu ổn định ở tay trái, là sự biến hoá từ loại polka ở châu Âu). Hiếm gặp loại ragtime có lời hát.

Nhạc jazz là sự kết hợp, nhào nặn từ 3 loại nhạc nói trên, thoạt đầu nhạc jazz là loại nhạc dành cho dàn nhạc kèn, sau có thêm hát blues cùng với dàn nhạc kèn. Nhạc jazz ra đời từ năm 1900 tại thành phố New- orleans, bang Louisiana của Hoa Kỳ.

II- Các hình thức nhạc jazz (thể loại) chủ yếu:

Cho đến nay nhạc jazz đã trải qua 5 giai đoạn phát triển

Giai đoạn 1, 2: Nhạc Jazz New-Orleans (là giai đoạn 1, sau chuyển lên New york và Chicago được coi là giai đoạn 2)

Khi ở New- Orleans là lúc hình thành, định hình những nét cơ bản nhất của nhạc jazz, tức là lối chơi ngẫu hứng tập thể, còn khi ở Chicago, New- york lối chơi ngẫu hứng này được hoàn thiện (gọi là phong cách New-Orleans cổ xưa, đã hoàn thiện).

Giai đoạn 3: Thời kỳ gọi là classic-jazz (jazz kinh điển) lúc này không còn lối chơi ngẫu hứng, tập thể của toàn dàn nhạc, mà đã có bản phối khí trước, chỉ còn một vài solist trong dàn nhạc chơi ngẫu hứng, nhưng trên nền của phần đệm có sẵn, người solist phải biết ngẫu hứng trên một tiết tấu, hoà thanh đã có sẵn.

Đây cũng là thời kỳ hưng thịnh nhất của phong cách swing và là giai đoạn trị vì của những cây solist giỏi, chơi trong những dàn nhạc jazz lớn gọi là big-band, và cả những trio, tứ tấu (3, 4 người) hoặc những dàn combo (7, 8 người)

Giai đoạn 4: Là thời kỳ của nhạc be-bop và nhạc cool

Be-bop khác nhạc jazz các thời kỳ trước ở chỗ:

– Hoà thanh phức tạp, cầu kỳ hơn, vay mượn từ nhạc kinh điển và nhạc hiện đại châu Âu.

– Loại bỏ những lối dùng nhạc cụ bắt chước lối hát của người da đen như rung giọng, vuốt tiếng, bỏ không dùng những riff.

– Bộ gõ trong Be-bop rất phóng túng về tiết tấu, khiến người quen nhảy với loại nhạc jazz trước đó nay không nhảy được nữa.

Be-bop chơi thành những nhóm nhạc công nhỏ 6, 7 người, phối hợp với những lối hát những hư từ (không lời ca)

– Tốc độ âm nhạc nhanh đòi hỏi tất cả nhóm phải có kỹ xảo cao.

Be-bop sau được đổi là modern jazz (jazz hiện đại)

Cool jazz giống be-bop, nhưng mềm mại, bình lặng hơn (nổi nhất ở phong cách này là Miles David, Jony Malligan, Shorty Rogers )

Giai đoạn 5: Free jazz xuất hiện (vào những năm 60 thế kỷ XX) còn gọi là jazz hiện đại hậu kỳ.

Đặc điểm của Free jazz :

– Bỏ những cấu trúc jazz đã thịnh hành trứoc đó, buông thả hoàn toàn cho sự ngẫu hứng tùy ý của các nhạc công độc tấu.

– Phần nhạc đệm đơn giản, nhắc đi nhắc lại

Nổi lên trong trào lưu này, đầu tiên là Ornette Coleman và nhóm của ông, rồi John Coltrane, Eric Dophy

Về sau, các phong cách khác nhau của nhạc jazz đã hợp nhất những yếu tố của Rythm and Blues (R&B), rock vào jazz theo nhiều kiểu khác nhau làm nhạt đi chất jazz nguyên thuỷ, tạm gọi là nhạc jazz đương đại (comtemporary jazz)

III- Tính ngẫu hứng trong nhạc Jazz

Nói chung trong âm nhạc, ngẫu hứng là một sự sáng tác âm nhạc ngay trong quá trình biểu diễn, không có bản nhạc viết in sẵn, và cũng không là đoạn nhạc nào đó đựoc học thuộc lòng từ trước.

Sự ngẫu hứng đã có từ rất xa xưa trong âm nhạc dân gian của nhiều nước, kể cả nước ta, Sự ngẫu hứng trong âm nhạc chuyên nghiệp cũng có từ lâu đời, kể cả trong đơn ca, độc tấu hoặc hoà ca, hoà tấu…

Trong nhạc jazz, ngay từ đầu, đã là sự ngẫu hứng của mọi nhạc công chơi trong dàn kèn, và là sự ngẫu hứng tập thể, kể cả của người độc tấu và của những người đệm cho người độc tấu, và cả khi hoà tấu toàn dàn. Tính ngẫu hứng này trong jazz là tiếp nối lối ngẫu hứng trong âm nhạc dân gian, hoàn toàn theo cảm hứng tức thời, dựa vào bản năng, vì không biết nhạc, hoà vào với nhau bằng cảm giác của tai nghe, của sự cảm thụ âm nhạc

Lỗi ngẫu hứng tập thể là đặc điểm nổi bật của phong cách jazz New-Orleans, là phong cách bao trùm trong giai đoạn phát triển 1 và 2 của nhạc jazz tại New- orleans, Chicago, New- York

Sang đến giai đoạn 3, thời kỳ ngự trị của phong cách swing, với các big-band, các dàn tam tấu, tứ tấu, combo, thì không còn sự ngẫu hứng tập thể, mà ngẫu hứng dành cho những người độc tấu trên một phần đệm của toàn dàn đã được phối trước, tập trước.

Các phong  cách Be-bop, cool hoặc free jazz cũng vẫn duy trì lối ngẫu hứng của những người độc tấu

IV- Nhạc jazz vào Việt Nam tự bao giờ

Chưa tìm được những tài liệu cụ thể về thời gian nhạc jazz xâm nhập vào Việt Nam, nhưng cũng có thể hiểu được và đoản định là các dân jazz nước ngoài đã đến Việt Nam muộn nhất là vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, vì từ năm 1927 dàn nhạc với thành phần như một dàn jazz  gồm solo, clarinet, trompette, piano, guitare đã có mặt trong các gánh cải lương, ngồi ngoài sân khấu, hoà tấu lúc mở màn, hạ màn và còn tấu nhạc vào nhiều lúc khác nữa trong quá trình diễn.

Nói như thế để thấy rằng muốn lập được những dàn nhạc như thế thì công chúng Việt Nam phải biết đến nhạc jazz từ nhiều năm trước.

Nhạc jazz của Mỹ đã sang châu Âu và châu á từ đầu thế kỷ 20, cụ thể là sang Pháp, Anh, ấn độ (Bombay, Calcutta) Trung Quốc (Thượng Hải), cho nên việc xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 20 là điều chắc chắn.

 Vũ Tự Lân

(Bài viết giảng dạy đại học tại chức)

Dân ca

Thẻ

, , ,

2.1 Thị hiếu công chúng với âm nhạc dân gian-dân tộc cổ truyền.

Âm nhạc dân gian-dân tộc cổ truyền là gì?

Nước ta bao gồm 54 dân tộc, tộc người thuộc 3 dòng ngữ hệ Nam á, Nam Đảo (còn gọi là dòng Malayo-Polinesia) và dòng Hán- Tạng. Chính sự phong phú trong thành phần dân tộc và ngôn ngữ lại góp phần tạo nên sự đa dạng về âm nhạc; dân tộc nào, bộ tộc nào cũng có vốn dân ca, dân vũ rất phong phú của riêng mình. Bắt nguồn từ trong lao động, từ những phong tục, tập quán, từ tâm tư, tình cảm, tiếng nói của dân tộc và từ phong cảnh thiên nhiên của từng vùng, miền khác nhau cho nên dân ca đã mang những màu sắc địa phương, dân tộc khác nhau. Do được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, mài giũa, bổ sung, sửa đổi qua chiều dày của năm tháng, cho nên âm nhạc trong dân ca tinh tế, trau chuốt, lời ca đẹp, giàu chất thơ, giàu hình ảnh. Đặc điểm chung của dân ca là tính khuyết danh, không có tên tác giả, khác với âm nhạc chuyên nghiệp-bác học.

Được sự dẫn dắt về đường lối, chính sách của Đảng đối với văn hóa-nghệ thuật, cho đến nay chúng ta đã sưu tầm, khai thác được một kho tàng âm nhạc dân gian phong phú, và đang cố gắng phát huy, truyền bá vốn âm nhạc quý báu này cho công chúng Việt Nam, kể từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến nay. Tuy nhiên, với vốn âm nhạc dân gian cực kỳ phong phú, chẳng hạn, dân tộc Kinh có cò lả, trống quân, bồng mạc, sa mạc, hát đúm, hát ví, quan họ, hát xoan, hát ghẹo, ví dặm v.v. ở miền Bắc, những điệu hò, điệu lý của miền Trung, miền Nam, những điệu khắp, lượn, si, rang, bỉ, của các dân tộc thiểu số miền Bắc, những khan, A nhông…của các dân tộc thiểu số phía Nam, nhưng có thể nói công việc truyền bá âm nhạc dân gian trong công chúng còn làm được quá ít, không rộng khắp và không thường xuyên.

Kể từ khi Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Thăng Long là đế đô, nhà vua đặt ra bộ Đồng Văn và bộ Nhã Nhạc để trông coi việc nhạc và hát,  sinh hoạt âm nhạc trong cung đình rất phong phú, có “quốc nhạc’, “quân nhạc, với quy mô nhạc kỹ (nhạc công, ca kỹ) lên đến hàng trăm người, mở Ty Giáo phường để dạy nhạc và hát trong dân gian; Thăng Long lại là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước, cho nên có thể thấy ở đây nhiều hình thức sinh hoạt âm nhạc dân gian của các miền quê du nhập về, như hát xoan, hát quan họ?, hát phường vải, rồi Sa mạc, Bồng mạc, Cò lả, Trống quân, các điệu ở các bến dọc sông Hồng, như Đồng Nhân, Yên Phụ, Chèm, hát xẩm, và hát chầu văn, hát ca trù.

Đồng thời trên mảnh đất kinh kỳ, trải qua nhiều triều đại, chất bác học trong dòng nhạc cung đình lan tỏa sang dòng nhạc dân gian. ở đây nghệ thuật dân gian và nghệ thuật cung đình bổ sung cho nhau, tạo nên những tác phẩm tinh tế trang nhã, tạo ra những loại hình ca nhạc có nguồn gốc dân gian nhưng lại giàu tính bác học, trải chuốt về trí tuệ. Với truyền thống văn hiến lâu đời, lại là nơi tụ hội của những thi nhân tài hoa, nên mối quan hệ giữa thơ – văn và âm nhạc hòa quyện vào nhau trong hầu hết thể loại âm nhạc (ngâm thơ, hát ru, hát ví, cò lả, trống quân…). Bên cạnh nguồn âm nhạc của người các địa phương tụ tập cùng sinh sống trong một cộng đồng đem về, phần nhạc trong các câu ca dao ở đất kinh kỳ cũng đã tạo ra những luyến láy riêng trong cách gieo câu, nhả chữ, cắt nhịp. Cùng với tiếng nói “bản địa”, người Kẻ chợ đã tiếp thu có sáng tạo giọng nói của mọi miền đất nước, giữ lại những gì là tinh túy nhất. Thể thơ trong các loại hình ca hát cung đình và dân gian rất phong phú, khi đọc lên đã hay, mà khi hát lên lại có sức truyền cảm sâu sắc.

Ở Thăng Long – Hà nội, dân ca của nhiều miền trên đất nước, đặc biệt của đồng bằng Bắc bộ, đã có mặt trong đời sống âm nhạc, như ngâm thơ với nhạc điệu dựa trên thang 5 âm, nhưng người Hà Nội thường nhấn vào các âm chính và ngân dài khi gieo vần; sa mạc, bồng mạc, dành cho thể thơ song thất lục bát; hát ru, thường theo thể thơ lục bát biến thể, có đệm thêm các tiếng à ơi, i, ư. Phụ nữ Hà Nội còn thêm những tiếng đệm như “bồng à bồng, bàng à bang”; hát ví, vẫn dùng thể thơ lục bát, thường không có nhạc đệm và trong khi đối đáp thường kết bằng câu “Anh Cả anh Hai đó ư ơi”. Thí dụ Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh, Gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh, Ai người gánh nước giếng Đình, Còn chăng hay đã trao tình cho ai; hát Cò lả, có thể coi như một ca khúc ngắn hoàn chỉnh khi có người lĩnh xướng và có tập thể phụ họa bằng một điệp khúc phổ biến cho tới ngày nay “tình tính tang, tang tính tình, anh chàng rằng, anh chàng ơi (hoặc cô mình rằng…), rằng có nhớ nhớ ta chăng; hát trống quân, một làn điệu khá phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ, cũng được hát nhiều ở Thăng Long – Hà Nội vào những dịp tết Trung thu, có trống đất (thổ cổ) đệm theo nhịp “thình thùng thình” rất sôi động và cuốn hút thanh niên nam nữ lúc giao duyên. Đến nay vẫn còn truyền lại những câu hát đối đáp trong hát trống quân giữa các trai làng Nhật Tân với các cô gái Hồ Tây, như Công anh gánh đất trồng đào, bây giờ em để lọt vào tay ai?, nữ đáp lại Thương chàng lắm lắm chàng ơi, biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than, muốn than mà chẳng gặp chàng, kìa như đá đổ bên ngàn Hồ Tây. Và không phải chỉ ở các làng ngoại thành mới hát trống quân, mà theo như lời nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát kể lại trong hồi ký của ông, thì lúc còn nhỏ, nhà ở ngay phố cạnh Nhà thờ Lớn Hà Nội, cũng đầy ắp những tiếng hát trống quân được trai gái hàng phố hát đối đáp nhau ngay trên sân cỏ gần nhà vào những dịp Trung thu; hát chầu văn, một loại hình âm nhạc chuyên nghiệp bắt nguồn từ dân gian, được phổ biến nhiều trong các nghi thức thờ cúng ở các đền miếu, đặc biệt khi người ta “lên đồng”. Giai điệu của hát chầu văn thanh thoát, giàu sắc thái, trong đó tiết tấu giữ vai trò quan trọng. Thể thơ trong chầu văn thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn hoặc 4 chữ.

Bên cạnh những làn điệu dân ca quen thuộc với người Hà Nội xưa đã nêu trên, còn có loại hát Cửa đình thường được tổ chức vào các ngày lễ hội tại các đền chùa ở Hà Nội, có người hát, có nhạc công, kèm theo múa như múa Bỏ bộ, hát múa Bài bông, múa Tứ linh (long, ly, quy, phượng). Từ lối hát Cửa đình với sân khấu 3 mặt, khoảng từ thế kỷ 19 ca trù đã được phát triển thành lối hát thính phòng với phần nhạc được nâng cao đến trình độ tinh vi nhưng phần múa lại bị tước bỏ, và trở thành một lối chơi tao nhã của các tao nhân mặc khách đất Thăng Long, gọi là Ca trù. Ca trù là trường hợp điển hình của hiện tượng bác học hóa một thể loại ca nhạc có nguồn gốc dân gian. Không ở một loại hình ca hát dân tộc nào lại tạo được mối quan hệ kinh điển hữu cơ giữa người sáng tác (nhà thơ am hiểu âm luật), người diễn (hát và đệm đàn) và người nghe. Cho dù có vị tổ của Ca trù không phải người Thăng Long, nhưng môi trường văn hóa nghệ thuật Thăng Long chính là tác nhân đem đến cho Ca trù một số phận đặc biệt hơn các thể loại hát Cửa đình khác cùng thời với nó, và Thăng Long vẫn có thể xem Ca trù ngày nay như một thành quả nghệ thuật của chính mình. Tác giả thơ trong ca trù phần lớn là những nhà thơ nổi tiếng của đất Hà thành, am hiểu âm luật như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Thượng Hiền…

Thể loại âm nhạc cổ truyền bác học – nhạc cung đình – như trên đã nói, cũng xuất xứ từ Thăng Long, với những thời cực thịnh dưới các triều Lý, Trần, Lê, và luôn thu hút những ảnh hưởng qua lại của âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình, từ đó tạo ra những bước phát triển cho cả hai lĩnh vực âm nhạc này. Thí dụ như dòng ca nhạc cung đình thời Lý một mặt vẫn bám chắc rễ và giữ mối liên hệ khăng khít với nguồn nhạc dân gian truyền thống, mặt khác tiếp thu thêm những yếu tố âm nhạc Champa và Trung Hoa. Sự yêu thích nghệ thuật Champa của các vua thời Lý có ảnh hưởng quyết định tới việc tiếp nhận những ảnh hưởng sâu đậm của âm nhạc Champa trong nền nhạc Đại Việt, mà trước hết là trong âm nhạc cung đình, hoặc trong nhiều làn điệu dân ca, bài hát tín ngưỡng khác, như làn điệu dân tộc Chăm trong hát chầu văn, được gọi là làn điệu hát Giàn.

Truyền thống âm nhạc dân gian cũng như cổ truyền-bác học của Thăng Long Hà Nội phong phú như thế, nhưng trải qua những năm dài dưới ách thống trị của thực dân Pháp cùng với âm mưu đồng hóa của chúng, rồi những năm tháng dài chiến đấu chống xâm lược, âm nhạc dân gian của Hà Nội gần như mai một, thậm chí dẫn đến quan niệm của một số người cho rằng “làm gì có âm nhạc dân gian của riêng Hà Nội”, thì cho đến nay có thể nói công việc truyền bá âm nhạc dân gian trong công chúng Hà Nội còn làm được quá ít, không rộng khắp và không thường xuyên.

Chính vì thế cách nhìn nhận của công chúng về âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung, với âm nhạc dân gian Hà Nội nói riêng, còn khá tản mạn. Nhưng do ý thức tự hào dân tộc trong nhân dân được nâng cao qua những năm tháng giữ nước và dựng nước, nhân dân ta đã ý thức được rằng sở dĩ có thể chiến đấu và chiến thăng những kẻ thù xâm lược hung hãn nhất, có thể bảo tồn được nền văn hóa dân tộc qua nhiều lần bị kẻ thù xâm lược âm mưu đồng hóa, chính là nhờ tinh thần tự chủ, tự cường, tự tôn dân tộc, cho nên nhân dân ta cũng như nhân dân Hà Nội nói riêng ngày nay, khác với những thập niên đầu thế kỷ trước, không rơi vào sự khinh thị, coi rẻ âm nhạc dân gian-dân tộc, coi là quê mùa, lạc hậu, để mà sùng bái âm nhạc phương Tây, một hiện tượng đã từng có ở một số người thời đó. Dẫu sao, muốn xác định mức độ yêu thích nhiều hay ít thì cũng sẽ phải xem xét căn cứ vào sự phân hóa về thị hiếu thẩm mỹ của lứa tuổi, của thói quen thưởng thức, của tác động gia đình-xã hội, nếu không được sự khuyến khích, truyền bá, hướng dẫn của các phương tiện thông tin đại chúng, của những người quản lý văn hóa, của công luận.

Nhưng có thể khẳng định rằng không một tầng lớp công chúng nào trong thành phố Hà Nội lại thờ ơ với âm nhạc dân gian-dân tộc cổ truyền và quay lưng lại với lĩnh vực âm nhạc này nếu âm nhạc dângian-dân tộc cổ truyền được truyền bá một cách có chất lượng. Dẫn chứng cụ thể nhất là sự hưởng ứng của công chúng đối với tháng liên hoan âm nhạc dân gian của các dân tộc, các vùng miền mà Đài Truyền hình VN đã tổ chức, đã gâyđược sự chú ý, hưởng ứng của công luận.

Còn các phiếu điều tra xã hội học có thể cung cấp những con số cụ thể hơn về số lượng công chúng Hà Nội thưởng thức và không thưởng thức âm nhạc dân gian-dân tộc cổ truyền.

 

2.2. Thị hiếu công chúng với dòng ca khúc cách mạng trước 1975.

Giới thuyết về dòng ca khúc cách mạng.

Dòng ca khúc cách mạng có nguồn gốc sâu xa từ thời kỳ trước khi thànhlập Đảng Cộng sản Việt nam, từ những ngày hoạt động cách mạng đầu tiên của đồng chí Nguyễn ái Quốc và những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản VN, nhưng có thể lấy năm 1925, khi đồng chí Nguyễn ái Quốc dịch lần đầu tiên bài Quốc tế ca (thơ của Eugène Potier, nhạc của Degeyter) ra tiếng Việt bằng văn vần, đăng trên 2 tờ báo cách mạng bí mật – tờ Thanh niên và tờ Công nông, là ngày ra đời của ca khúc cách mạng, vì nhữg bài văn vần này đã được cán bộ và quần chúng cách mạng trong nước phổ vào các giai điệu dân gian để hát. Năm 1929 một số thanh niên cách mạng VN theo học Trường Đại học Phương Đông do Quốc tế Cộng sản mở tại Maxcowva đã dịch bài Quốc tế ca ra tiếng Việt để có thể hát theo đúng giai điệu của chính bài hát đó. Cạnh đó, có thể nói dòng ca khúc cách mạng trước khi hình thành  hình thái đích thực, tức là dưới dạng các ca khúc được sáng tác mới, nó đã tồn tại (và tiếp tục tồn tại sau đó) ở các hình thái mang tính chất quá độ như : sáng tác hoặc phỏng dịch lời ca mới theo các giai điệu của những ca khúc cách mạng nước ngoài; sáng tác lời ca mới để hát theo các làn điệu dân ca hoặc các điệu hát trong âm nhạc truyền thống dân tộc (ca kịch, ca nhạc tài tử, thính phòng…), và những bài thơ dưới dạng “bài ca” trong thơ ca cách mạng. Còn loại bài ca cách mạng được sáng tác mới đã ra đời trong cao trào cách mạng những năm 30-31 của thế kỷ trước, với các ca khúc Cùng nhau đi hồng binh, Tam bình, của các ông Đinh Nhu, Trần Văn úc,và sau này với Phất cờ Nam tiến, Tiến quân ca, Diệt phát xít, Du kích ca của các ông Hoàng Văn Thái,Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ sau ngày CM tháng 8 thành công, và để trở thành một dòng ca khúc cơ bản trong sáng tác âm nhạc mới Việt Nam. Từ ngữ ca khúc cách mạng cần được hiểu theo nghĩa rộng, bởi lẽ không chỉ những bài hát nói đến cách mạng như bài 19 tháng Tám của ông Xuân Oanh nói trực tiếp về ngày Tổng khởi nghĩa mới là ca khúc cách mạng, hoặc chỉ những bài ca chiến đấu như Hành quân xa, Trên đồi Hin Lam, Chiến thắng Phủ Thông, Hò kéo pháo v.v. mới là ca khúc cách mạng, mà những bài Làng tôi, Quê em, Quê hương anh bộ đội, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Xa khơi, Tình ca, Những ánh sao đêm v.v. cũng là những ca khúc cách mạng, mang tính cách mạng trong nội dung âm nhạc và lời ca, cổ vũ con người sống theo lý tưởng mới mà Đảng đã đem lại cho nhân dân. Ca khúc trữ tình, lứa đôi mà đẹp, cổ vũ con người sống tốt đẹp, có tính nhân văn, tính xã hội v.v. cũng đều là những ca khúc trong dòng ca khúc cách mạng.(tham khảo thêm tư liệu).

Sự nhìn nhận của công chúng với dòng ca khúc cách mạng, mà cụ thể nhất với những ca khúc nổi tiếng trong thời Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hoặc một số ca khúc về các đề tài Tổ quốc, quê hương, về tình yêu lứa đôi nhưng trong đó vẫn thấy hiện lên bóng dáng của quê hương, đất nước, của thời cuộc…, mà công chúng thường quen gọi là ca khúc đỏ, thì có thể nói sự nhìn nhận này không đồng nhất trong mọi lứa tuổi, hoàn cảnh giáo dục, môi trường sinh sống, nhưng về cơ bản, không có tầng lớp người Hà Nội lại quay lưng lại với ca khúc cách mạng. Những bài hát cũ, nhưng đẹp, xúc động chân thành, có bối cảnh thời gian gắn với một sự kiện, một địa phương nào đó, nhất là với Hà Nội, lại có giai điệu đậm màu sắc dân gian, và được nhắc lại nhân một sự kiện nổi bật nào đó, thì vẫn được tất cả công chúng Hà Nội, không phân biệt già trẻ gái trai, hưởng ứng và yêu thích. Điều này có thể thấy rõ qua các hội diễn ca nhạc quần chúng nhân ngày kỷ niệm này, khác, công chúng Hà Nội vẫn hồ hởi hát, với một xúc động chân thành, những bài ca cách mạng, cho dù đó là những bài hát cũ, đã quá quen thuộc. Tâm hồn của họ vẫn say sưa, tự hào khi hát lại những bài hát của một thời oanh liệt của đất nước, của Hà Nội.

Đương nhiên lớp công chúng trung niên, có tuổi hoặc cao tuổi, vẫn nhiệt thành với ca khúc cách mạng (ca khúc cách mạng hiểu theo nghĩa rộng như đã nói ở trên) hơn so với lớp trẻ, vì thực ra lớp trẻ không có những ký ức thật rõ rệt với những sự kiện đã qua lâu năm, thậm chí khi họ còn chưa sinh ra trên đời này, đồng thời sức hấp dẫn của nhạc pop-rock với tiết tấu sôi động, đa dạng, với lời ca đầy chất đời thường, là những điều họ thấy, cảm nhận hàng ngày, vẫn là loại âm nhạc được họ yêu thích hơn.

Cụ thể hơn vẫn nên dựa vào kết quả điều tra xã hội học.

 2.3. Thị hiếu công chúng với dòng nhạc trẻ Việt Nam.

Giới thuyết về cái gọi là dòng nhạc trẻ:

Dòng nhạc trẻ là tên gọi lái đi của nhạc pop-rock, cũng như gọi là nhạc đỏ, nhạc xanh, không mang tính khoa học, không phổ biến trong lý luận, lý thuyết của âm nhạc thế giới. Có thể tên gọi này xuất phát từ một số người đặt ra, rồi được đem dùng phổ biến, nhưng khi bàn về lý thuyết âm nhạc, vẫn phải gọi đó là dòng nhạc theo phong cách pop-rock.

Pop-music là nhạc bình dân, dân dã xuất xứ từ Mỹ, Anh trong những năm 50 của thế kỷ 20, có cội nguồn sâu xa từ nhạc jazz, nhạc country, nhạc nhẹ Âu-Mỹ của những năm đầu thế kỷ 20. (tham khảo thêm tư liệu). Loại nhạc này thâm nhập trước hết vào miền Nam nước ta từ trước ngày giải phóng, thống nhất đất nước, lắng đi một thời gian lại rộ lên theo trào lưu hát ca khúc chính trị ở nước tavào cuối những năm 70, đầu 80 tk trước. Hát ca khúc chính trị, thực chất là hát những bài hát có nội dung phản chiến, chống phân biệt chủng tộc, đấu tranh vì hòa bình của những lực lượng tiến bộ của một số nước Âu-Mỹ, trong đó có những nước XHCN (cũ), theo phong cách pop-rock, là phong cách âm nhạc thời đó đang rất thịnh hành trên thế giới, đặc biệt là ở Âu-Mỹ. Qua trào lưu ca khúc chính trị, nhạc pop-rock đã vào nước ta, được lớp trẻ yêu thích vì tính chất quần chúng, dễ làm, dễ hát, dễ được thanh niên mến mộ vì có tiết tấu sôi động, khác với những ca khúc thời chống Pháp, chống Mỹ, khi đó đang lùi vào dĩ vãng, vì không được các cơ quan thông tấn đại chúng, đài báo nhắc nhở đến, do có sự giao động, hoang mang trước sức cuốn hút mạnh mẽ của loại ca nhạc pop-rock, không có sự chỉ đạo, mà buông trôi theo xu thế của thời đại. Đã có lúc người ta phải cho rằng có những “cơn sốt nhạc nhẹ”, hầu như tràn ngập cả sinh hoạt âm nhạc trong cả nước, làm lu mờ những lĩnh vực âm nhạc khác như âm nhạc thính phòng-giao hưởng, âm nhạc dân gian- cổ truyền bác học, trong đó có những loại hình âm nhạc sân khấu như tuồng, chèo, cải lương.

Sau một thời gian giao động về phương hướng, hướng đi của âm nhạc đã được chấn chỉnh lại, cùng lúc với thời kỳ đổi mới của đất nước, 3 lĩnh vực âm nhạc, hoặc 3 dòng âm nhạc dân gian-dân tộc cổ truyền, chuyên nghiệp-bác học mới, và nhạc nhẹ (chủ yếu là nhạc pop-rock) đã dần được cân bằng hóa, đồng thời lĩnh vực nhạc nhẹ hiện đại cũng được uốn nắn theo hướng dân tộc-hiện đại, xuất hiện một số gương mặt sáng tác có bản lĩnh trong lĩnh vực này. Do sự ham chuộng của lớp trẻ đối với nhạc pop-rock, khiến giới nhạc quan tâm đúng mức hơn đến sự phát triển, thấy rằng cần nắm lấy, tìm hiểu những cái mới trong tiết tấu, hòa thanh, cấu trúc của loại hình âm nhạc bình dân này, do đó đã dần xuất hiện những ca khúc theo phong cách pop-rock có chất lượng, góp phần làm cho tươi mới hơn ca khúc Việt Nam, được công chúng tán thưởng.

2.4. Nhạc nhẹ thế giới.

Người Việt Nam, nhất là người Hà Nội, không lạ lẫm gì với nhạc nhẹ thế giới. Những thập niên đầu thế kỷ 20, nhạc nhẹ Âu-Mỹ đã tràn vào Việt Nam qua phim ảnh, trong đó có những phim nhạc nhẹ với các tài tử, ca sĩ nổi tiếng như Tino Rossi, Maurice Chevalier v.v. đãđược công chúng Hà Nội rất ham chuộng. Nhiều ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ từ phim ảnh, đĩa hát đã được dịch ra tiếng Việt, hoặc làm lời Việt, hát khắp Hà Nội thời đó. Nhạc nhẹ(nhạc khiêu vũ) cũng tràn đầy trong các quán bar-dancing của Hà Nội. Thậm chí vì sự ham chuộng ấy đã đẻ ra phong trào “hát lời ta điệu Tây”. Cho nên có thể nói những loại tiết nhịp giờ đây dùng trong nhạc pop-rock như valse, tango, rumba, blue v.v. người Việt Nam, nhất là người Hà Nội có tuổi và cao tuổi, vẫn được yêu thích và quen thuộc. Những loại nhịp ấy nằm ngay trong các bài hát thuộc dòng nhạc lãng mạn thời trước cách mạng Tháng Tám và cả trong kháng chiến chống Pháp, như Đêm đông, Biệt ly, Con thuyền không bến, Thiên thai v.v. (tango), Suối mơ, Quay tơ, Quê em, Làng tôi v.v. (valse). Nhạc nhẹ bẵng đi một thời gian không có mặt trong sinh hoạt âm nhạc của những người dân Hà Nội (trong kháng chiến chống Pháp chỉ có trong Hà Nội tạm chiếm) do hoàn cảnh chiến tranh (không kể đến âm nhạc trong các vùng tạm chiếm thời chống Mỹ) khoảng 30 năm, nhưng khi nó xuất hiện lại vào cuối những năm 70 thế kỷ trước cho đến nay, công chúng Hà Nội vẫn yêu thích (thí dụ như sự ham thích của công chúng với những chương trình Ký ức thời gian, với những ca khúc của Đoàn Chuẩn, Văn Phụng, Ngọc Bích, Canh Thân v.v. ). Đương nhiên nhạc nhẹ thế giới hiện nay (chủ yếu theo phong cách pop-rock) có hàng trăm loại tiết nhịp, nhưng hình thức cấu trúc, phong cách diễn xuất (trừ những phong cách quá xa lạ với người Việt Nam), hòa thanh v.v., người Hà Nội thuộc mọi lứa tuổi đều có thể tiếp nhận, không quá xa lạ.

Nhưng ở đây chỉ bàn đến khả năng tiếp nhận, thích ứng của công chúng Hà Nội nói chung, còn sự yêu thích, thị hiếu thì lại phải căn cứ vào sự phân loại công chúng theo lứa tuổi, thị hiếu, môi trường sinh sống v.v.

Nhưng nói chung, để cho nhạc nhẹ có thể phát triển ngày càng phù hợp với công chúng Việt Nam nói chung và công chúng Hà Nội nói riêng, có thể cần chú ý: – Loại pop-rock nhẹ (soft-rock, ballad-rock, country rock…) có giai điệu đẹp, không quá ồn ào, nói chung người Hà Nội mọi lứa tuổi, có thể nghe được. Những bài hát ít giai điệu, nặng về tiết tấu, nói chung không được ưa thích, trừ một số trẻ, ưa lạ, mới, cũng có khi muốn tỏ ra mình theo kịp trào lưu, số này không nhiều. Người ta thường kêu về những loại ca nhạc nhẹ mà nghe xong quên ngay, không đọng lại được gì trong tâm trí. – Lời ca cần trải chuốt, giàu hình ảnh, đừng sô bồ, bỗ bã, đừng quá “đời thường” trong câu văn, ý văn, không một chút nâng cao. – Phong cách diễn xuất đừng quá nhố nhăng, kệch cỡm, thiếu thẩm mỹ; đã vừa hát vừa nhảy, thì phải nhảy đẹp, đúng điệu. – Trang phục có thể lạ, nhưng cũng không thể lố lăng, nghịch mắt.

Tóm lại, nhạc nhẹ như hiện nay, trừ một số quá lố, thiếu tính chuyên nghiệp, tự sáng tác, tự biểu diễn một cách tầm thường, nhàm chán, còn nói chung vẫn có công chúng của một số lứa tuổi, không chỉ lớp “choai choai” chưa được giáo dục, truyền bá về thẩm mỹ.    

      Vũ Tự Lân

 (Bài viết giảng dạy đại học tại chức)