Thẻ

, ,

“… Tôi lớn lên trong một vùng thâm sơn cùng cốc, – Tchaikovsky viết về thời thơ ấu của mình, – ngay từ nhỏ đã đắm mình trong vẻ đẹp của âm nhạc dân gian Nga… Tôi yêu say mê nhân tố Nga trong mọi cách biểu hiện … Tôi là người Nga với đầy đủ ý nghĩa của từ ngữ này”.

Pyotr Ilyich Tchaikovsky sinh ngày 7 tháng 5 năm 1840 tại thị trấn Votkinsk vùng Ural, nơi bố ông làm giám đốc một nhà máy. Mẹ ông là người say mê âm nhạc, hát và đàn được piano, là người đầu tiên đưa âm thanh tuyệt vời của những bài hát Nga đến với Tchaikovsky. Cũng chính vì thế mà suốt đời mỗi khi nghe bài Chim họa mi của Alabiev là ông không cầm được nước mắt vì nó gợi lại những kỷ niệm thời thơ ấu, gợi lại hình ảnh người mẹ thân thương. Và cũng vào thời thơ ấu ấy, chiều chiều Tchaikovsky đứng trên bancông căn nhà nhỏ nhìn về phía hồ gần nhà máy, nơi vọng đến bài hát của những người dân chài.

Tình yêu âm nhạc đã có từ những ngày xa xưa ấy, nhưng bố mẹ lại không muốn cho con theo con đường nghệ thuật (thời ấy chỉ có hai nghề được xã hội trọng vọng, đó là luật sư hoặc bác sĩ) nên gửi Tchaikovsky đến Petersburg học ở trường trung cấp luật. Sau khi ra trường và làm công chức tòa án được ít lâu, nghe theo lời khuyên của A.Rubinstein, khi ấy là giáo sư đàn piano, Tchaikovsky bỏ nghề luật và thi vào nhạc viện Petersburg. Sau khi tốt nghiệp, Tchaikovsky về Maxcơva, rồi trở thành giáo sư của nhạc viện thành phố. Ông hoạt động âm nhạc trong các lĩnh vực sáng tác, lý luận, sư phạm. Trong khoảng 12 năm (từ 1865-1877) ông đã sáng tác nhiều tác phẩm như : 3 bản giao hưởng, concerto số 1 cho piano, 4 vở nhạc kịch trong đó nổi bật có vở Người thợ rèn Vacula (sau đổi là Cherevichki), vũ kịch Hồ thiên nga, 3 khúc mở màn : Romeo và Juliet, Bão tố, Francesca và Rimini, một số tác phẩm thính phòng gồm Những biến tấu trên chủ đề Rococo cho cello, tổ khúc cho pianô Bốn mùa và nhiều romance. Tình hình xã hội ngạt thở, bế tắc và cuộc hôn nhân không thành (với cô sinh viên Antonina Milyucova, chỉ ở với nhau được 9 tuần lễ) đã làm cho Tchaikovsky rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trong một thời gian. Ông thường thích sống ở những nơi yên tĩnh, xa thành phố và đi chu du ở nước ngoài . Năm 1878 ông hoàn thành bản giao hưởng số 4 và nhạc kịch Evgeny Onyegin. Được bà triệu phú Nadezha von Meck đỡ đầu về kinh tế, Tchaikovsky yên tâm sáng tác. Thời gian này ông viết nhiều thể loại nhưng lại ngừng viết giao hưởng. Tuy nhiên vẫn có những tác phẩm lớn ra đời cho dàn nhạc như: Italian caprice, Serenade cho đàn dây, overture Năm 1812, Concerto cho violon, Concerto số 2 cho piano; hai vở nhạc kịch Cô gái Orléans  và Mazeppa.

Giữa những năm 80, Traicốpxki tham gia một hoạt động mới là làm nhạc trưởng, biểu diễn khắp nơi trong và ngoài nước. Thời gian này ông viết giao hưởng Manfred và bản giao hưởng số 5. Vinh quang của ông lên đến tột đỉnh vào những năm 90. Năm 1893 ông được tặng học vị tiến sĩ của trường đại học tổng hợp Cambridge ở Anh.

Những năm cuối đời là thời kỳ sáng tác dồi dào nhất của Tchaikovsky. Những tác phẩm mang mầu sắc bi kịch là những đỉnh cao: opera Con đầm pích (Queen of Spades),  bản giao hưởng số 6. Bên cạnh những tác phẩm bi kịch, ông còn viết những tác phẩm mang những cung điệu ấm áp, trong sáng như: vũ kịch Người đẹp ngủ (The sleeping beauty), Chiếc kẹp hạt dẻ (Nutcracker), opera Yolanta.

Tchaikovsky mất ngày 25-10-1893 ở Petersburg sau một tuần lễ chỉ huy bản giao hưởng cuối cùng của mình.

Ông là một trong những nhạc sĩ Nga vĩ đại nhất của thế kỷ 19, đồng thời cũng là một trong những nhạc sĩ Nga được châu Âu và thế giới quen thuộc nhất ngay từ khi còn sinh thời cho đến ngày nay. Tchaikovsky thành công trong rất nhiều thể loại : giao hưởng, opera, vũ kịch, nhạc thính phòng, hoà tấu, rômăng .v.v… Bên cạnh công việc sáng tác, nhạc sĩ còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, lý luận phê bình âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc. Trong khi “Nhóm khoẻ” hoạt động âm nhạc chủ yếu ở Petersburg thì Tchaikovsky hoạt động chủ yếu ở Maxcơva.

Là một nghệ sĩ hiện thực sâu sắc, Tchaikovsky phản ánh trong tác phẩm của mình những thực tế của cuộc sống xã hội Nga.

Bản giao hưởng số 4 giọng Fa thứ nói lên sự liên quan của một con người riêng lẻ với nhân dân, của con người với môi trường xã hội, là những mối đe doạ của số phận khắc nghiệt mà con người vấp phải trong bước đường đi lên của mình. Đồng thời những biến cố đau buồn trong đời sống riêng tư của Tchaikovsky, cuộc hôn nhân tan vỡ của ông với nàng Antonina Milyucova cũng càng tăng thêm kịch tính gay gắt cho những vấn đề đang đặt ra thời đó về số phận con người. Chính ông thổ lộ rằng “… không có một dòng nhạc nào trong bản giao hưởng ấy mà không thấm đẫm tình cảm của tôi, không là tiếng vọng chân thành của những xúc động trong tâm hồn tôi. Bản nhạc mãi mãi là tác phẩm mà tôi yêu quý nhất vì nó là kỷ niệm của một thời mà tôi trải qua những đau khổ và tuyệt vọng khủng khiếp đến muốn phát điên lên, thậm chỉ muốn tự huỷ bỏ con người mình, thì bất chợt bừng lên ánh sáng bình minh rạng rỡ của sự hồi sinh và hạnh phúc”. Tính chất triết lý sâu sắc, tâm lý tinh tế, khúc thức, hoà âm phối khí chặt chẽ, giai điệu uyển chuyển, đẹp đẽ chính là phong cách của Tchaikovsky, một nhạc sĩ đã tiếp thu một cách sáng tạo âm nhạc cổ điển và lãng mạn, hoàn chỉnh và làm phong phú cho nền âm nhạc Nga. Đồng thời ông cũng là người biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc dân tộc và những tinh hoa của âm nhạc thế giới. Do đó âm nhạc của ông đã được phổ biến rộng rãi không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới.

Thông qua những hình tượng âm nhạc độc đáo, mãnh liệt, Tchaikovsky trong bản giao hưởng số 6  đã miêu tả chủ đề cuộc đấu tranh của con người chống lại định mệnh, bộc lộ thế giới nội tâm của một người đi tìm hạnh phúc; đồng thời nói lên suy nghĩ của ông về sức mạnh của nhân dân, coi đó là nơi mà con người phải lấy làm chỗ dựa, phải hướng về trong những phút nặng nề của cuộc đời.

Đây là tác phẩm ông viết với một niềm hứng khởi khác thường, chỉ trong gần 2 tháng đã hoàn thành bản nháp, tháng 8 đã xong phần phối dàn nhạc. Tháng 10 đã công diễn lần đầu tại thành phố Petersburg, do chính tác giả chỉ huy.

Bản giao hưởng xứng đáng được gọi là giao hưởng bi kịch, với những hình tượng âm nhạc cực kỳ khái quát hoá. Sự xung đột của con người với thực tại diễn ra hết sức gay gắt. Chương 1 cho thấy khát vọng của con người vươn tới sự trong sáng và tốt đẹp nhưng đã không đạt được, và cuộc đấu tranh còn tiếp diễn. Chương 2 là một điệu valse trong sáng trữ tình, hoàn toàn tương phản với chương 1 và các chương tiếp sau, như một thứ ngưng nghỉ, thư giãn tạm thời sau những va chạm đầy kịch tính. Chương 3 là một kiểu hành khúc, tràn đầy nghị lực, được coi như một cao trào kịch tính thứ hai của toàn bộ tác phẩm. Với chương 4, thoạt đầu Tchaikovsky dự định viết theo kiểu một chương kết mang tính hành khúc tang lễ, nhưng để hai chương hành khúc cạnh nhau là điều cần tránh nên ông viết chương kết này như một lời độc thoại đau thương, nhưng cũng nhấn mạnh khía cạnh trữ tình như biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của con người.

Theo lời khuyên của người em là Modest Tchaikovsky, ông thay tên gọi ban đầu Bản giao hưởng có tiêu đề thành Giao hưởng bi thương. Giao hưởng số 6 là thành tựu cao nhất của ông trong lĩnh vực sáng tác giao hưởng, là nơi bộc lộ trọn vẹn nhất những nét tiêu biểu trong phong cách giao hưởng của ông.

Bản giao hưởng như một lời trăn trối của ông, vì chỉ vài ngày sau khi bản giao hưởng được công diễn, Tchaikovsky đột ngột qua đời trong lúc thiên tài âm nhạc của ông còn đang đạt đến đỉnh cao sáng tạo.

Vũ Tự Lân

(Bài viết đã đăng trên “Tạp chí Nghe Nhìn”)