Kèn

Thẻ

, , , , ,

Kèn cor: Tổ tiên của cây kèn cor ngày nay chính là chiếc tù và. Thoạt đầu chắc người ta dùng loại ốc biển lớn, sừng hoặc răng nanh những loài thú lớn, hoặc ngà voi để thổi, phát ra âm thanh lớn, ngân dài, gọi chung là tù và. Về sau này, để chế tạo tù và, có thể người ta đã dùng những vật liệu khác, như vỏ cây, gỗ, đất nung, thủy tinh v.v…, cuối cùng đến kim loại, nhất là đồng, là nguyên liệu được sử dụng phổ biến hơn cả. ở châu Âu, thời xưa người Do thái có loại kèn tù và gọi là Keren, người Celtes có loại tù và gọi là Karnyx, còn người La Mã có loại tù và gọi là Cornu, cũng thuộc vào hàng tổ tiên của cây kèn cor ngày nay. Từ những thời xa xư­a lắm, ngư­ời ta dùng tiếng tù và để mở đầu các trận đánh.Vào thời Trung cổ, tiếng tù và vang lên trong các cuộc săn bắn, thi đấu, các nghi lễ trang nghiêm của cung đình. Nửa đầu thế kỷ 17 tù và đã trở thành kèn cor đi săn, một loại kèn có thang âm tự nhiên Đến lúc ấy, người ta đưa kèn cor vào trong dàn nhạc opera, như­ng chỉ đến thế kỷ 19 nó mới trở thành thành viên có mặt th­ường xuyên trong dàn nhạc giao hư­ởng.Thời cổ, chiều dài của ống kèn cor khi ch­ưa cuộn vào thì lên đến 5,90 m, cho nên người ta phải cuộn ống ấy lại theo hình tròn. Trải qua nhiều lần cải tiến, mãi đến đầu thế kỷ 19, năm 1813, ông Bluhmel vùng Silésie mới sáng chế ra hệ thống những piston, năm tiếp sau ông H. Stolzel đem áp dụng hệ thống này vào kèn cor, nhờ đó kèn cor mới thổi đư­ợc các thang âm cromatic, và dần dần loại kèn cor này thay chỗ hoàn toàn cho loại kèn cor theo thang âm tựnhiên vốn trư­ớc đó vẫn nằm trong thành phần dàn nhạc.

Loại kèn cor theo thang âm cromatic có âm vực rộng – ba quãng 8 và một quãng 6, còn người thổi giỏi có thể mở rộng thêm một cung (ton) nữa. Cor là cây kèn có âm thanh thơ mộng nhất trong bộ đồng của dàn nhạc giao hưởng. Âm thanh của nó đầy đặn, sang trọng và mềm mại. ở âm khu trầm, âm sắc kèn cor hơi ảm dạm, còn ở âm khu cao thì khá là gay gắt.

Khả năng kỹ thuật của kèn cor khá đa dạng : nó có thể chơi những âm nảy, ngắn gọn (staccato), những láy rền (trille), nhắc đi nhắc lại một âm ở tốc độ nhanh, những quãng nhảy rộng. Nhưng sở trường của kèn cor vẫn là sự liền tiếng (legato, cantilena). Khả năng diễn cảm của kèn cor rất rộng: nó có thể tham gia những nét nhạc mang tính anh hùng ca như­ trong vở Siegfried của Wagner, tính chất thơ mộng, mơ màng của ban đêm trong Giấc mộng đêm hè của F.Mendelssohn, tính cao cả trong Giao hư­ởng giọng Đô Trư­ởng của F.Schubert, có thể hát ca chậm rãi như kể chuyện trong đoạn mở đầu chương chậm giao hưởng số 5 của P.I.Tchaikovsky… Trong dàn nhạc, kèn cor có thể đảm nhiệm những đoạn độc tấu, đồng thời có thể hòa hợp rất ăn ý không chỉ với bộ đồng, mà cả với bộ gỗ nữa.

Nhạc sĩ J.Haydn đã viết hai bản Concerto cho kèn cor và dàn nhạc, Mozart viết 4 Concerto, Antonio Vivaldi viết Concerto cho 2 cor và dàn nhạc…

Các hãng sản xuất kèn cor của Pháp như­ Selmer, Courtois và Couesnon vẫn là những hãng có tín nhiệm trên thế giới, được nhiều nghệ sĩ ưa dùng.

Kèn trompette (trumpet– Anh, trompete- Đức): “Âm sắc của trompette cao quý và chói lọi; sử dụng nó trong những hình t­ượng chiến đấu, trong tiếng thét căm thù cũng như ­ trong những bản chính ca trang nghiêm, đều tốt; nó có thể miêu tả tất cả những gì là hùng mạnh, uy nghi,và cả những sắc thái đa dạng nhất của sự bi thư­ơng…”- nhạc sĩ Pháp Hector Berliozđã nhận định nh­ư thế về cây kèn trompette. Nguồn gốc xuất xứ của trompette cũng giống như kèn cor. Nó được sử dụng ít nhất cũng từ  thời kỳ đồ đồng. Tất cả các dân tộc thời cổ đại, kể cả ở phương Đông và trong đạo Hồi, đều dùng các loại kèn có âm thanh giống loại trompette thời nay. Nó được dùng với nhiều chức năng: báo hiệu, chiến trận, thờ cúng trang nghiêm.Từ những thời xa xư­a nhất, ở Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, không thể thiếu vắng âm thanh của trompette trong chiến trận, nghi lễ hội hè cũng như­ cung đình. Trompette đã có mặt trong dàn nhạc opera ngay từ khi opera mới ra đời : trong vở opera Orphée của nhạc sĩ  Claudio Monteverdi người Italia thế kỷ 17, người được coi là một trong nhưng ông tổ của nghệ thuật opera, đã sử dụng đến 5 kèn trompette. Có một thời nhạc công thổi trompette là loại người được đặc biệt trọng vọng, và kỹ thuật thổi loại kèn này là những điều bí ẩn, không ai phổ biến cho ai. Kèn trompette cổ xưa có ống dài, theo thang âm tự nhiên, còn trompette thời nay do có hệ thống piston nên đã có thang âm cromatic, âm vực của nó khoảng hai quãng 8 và một quãng 6. Nó là loại kèn có âm thanh lên được cao nhất trong bộ đồng. Kỹ thuật sử dụng kèn trompettevề cơ bản giống như­ kèn cor, như­ng nó linh hoạt hơn, có thể chơi những đoạn chạy lư­ớt nhanh, mọi kiểu láy, hợp âm, staccato, nhắc đi nhắc lại một âm ở tốc độ nhanh.

Các âm khu của kèn trompette không đồng nhất xét về mặt chất lượng, tính chất âm thanh. Âm khu trầm nghe đầy tính bi kịch, nhạc sĩ Nga thế kỷ 19 Rimsky-Korsakov đã phải nhận định rằng âm khu này mang đầy chất bất hạnh, hiểm họa. Âm khu cao, khó thổi, rất gắt, chỉ chơi được ở sắc thái forte. Âm khu trung mạnh mẽ khác thường, bóng bảy, chói lọi, có thể xuyên qua, cắt ngang âm thanh của toàn dàn nhạc. Âm sắc kèn trompette thể hiện tuyệt vời tính chất hùng vĩ, chiến thắng, hội hè. Tính trữ tình không phải sở trường của nó, nhưng để miêu tả tính chất anh hùng thì không nhạc cụ nào sánh được với nó. Còn khi lắp ống giảm thanh (sourdine) vào thì âm sắc của trompette có thể biến đổi đến mức khó nhận ra: ở sắc thái nhỏ (piano) âm thanh của nó nghe hoang tưởng, thần bí, còn ở sắc thái thật to (fortissimo) thì lại nghe như xé tai, thậm chí kệch cỡm.

Các nhạc sĩ nổi tiếng như­ J.Haydn, Mozart, Corelli, Vivaldi, D.Shostacovich… đã viết những tác phẩm độc tấu, hoà tấu với dàn nhạc cho kèn trompette. Nhiều nhạc sĩ sáng tác thời nay đã mở rộng khả năng biểu cảm của cây trompette: tính trữ tình, cuồng nhiệt (trong giao hưởng số 2 của nhạc sĩ Pháp Dutilleux), tính chất an ủi vỗ về (trong oratorio Jeanne d’Arc trên dàn thiêu của nhạc sĩ Pháp Honegger), tính chất dịu dàng, than vãn (trong vở Thrène của nhạc sĩ Desenclos)…Trompette có vị trí ngày càng lớn trong âm nhạc thính phòng.

Các hãng Selmer, Courtois và Couesnon của Pháp là những nơi sản xuất trompette có tín nhiệm trên thế giới.

 

Kèn trombone: Nguồn gốc của kèn trombone cũng tư­ơng tự như­ của kèn cor và trompette. Thời Trung cổ nó chỉ đóng vai trò một thứ kèn trầm trong dòng họ trompette. Thoạt đầu trombone có chiều dài gấp đôi trompette. Nhưng đến nửa sau thế kỷ 15, trombone đã có hình dáng như­ ngày nay, và ngay từ khi xuất hiện, nó đã là một nhạc cụ chơi thang âm cromatic nhờ một kết cấu gọi là coulisse. Đây là một ống phụ có hình dáng chữ U, lắp vào ống chính và giúp cho ống này dài thêm ra. ống phụ này trư­ợt trên rãnh nên ngư­ời chơi có thể dễ dàng kéo ống ra, vào, khiến ống kèn lúc dài, lúc ngắn, tạo ra những âm thanh cao thấp khác nhau. Người thổi di chuyển ống phụ bằng tay phải, tay trái đỡ lấy kèn. Tính từ thế kỷ 17, trombone không thay đổi gì về hình dáng cũng như về nguyên tắc cấu trúc, có chăng là ống kèn và miệng thổi (embouchure) được chế tác to hơn khiến phát âm thuận tiện hơn, âm thanh phong phú hơn.

Từ xư­a, kèn trombone đã có cả một họ với những độ dài ngắn, to nhỏ khác nhau: trombone alto, trombone tenor, trombone basse. Ngày nay trong dàn nhạc giao hư­ởng ngư­ời ta chủ yếu sử dụng loại trombone tenor và trombone tenor-basse.

Sử dụng trombone rất tốn hơi, và do việc kéo ra kéo vào phần ống phụ mất nhiều thời gian, nên trombone kém linh hoạt hơn so với các nhạc cụ khác trong bộ đồng: chạy gamme chậm, không thật rành rọt, ở sắc thái forte nghe nặng nề, khó thổi theo kiểu legato. Như­ng nó lại có những ư­u thế về sức mạnh và sự hùng dũng. Nhạc sĩ Nga Rimsky-Korsakov cho rằng âm sắc của trombone ảm đạm, hung hãn ở các âm trầm và trong sáng, huy hoàng ở những âm cao. Nhạc sĩ Monteverdi, cha đẻ của thể loại opera, đã cảm nhận được tính bi thảm của trombone và đã sử dụng đến 4 cây trombone để tạo hiệu quả ấy trong vở Orphée của ông. Kèn trombone rất được trọng vọng trong suốt thời kỳ hưng thịnh của phong cách phức điệu. Nhạc sĩ Pháp gốc Italia thế kỷ 17 Jean-Baptiste Lully dùng trombone trong bản Te Deum nổi tiếng của ông, còn các nhạc sĩ G.F.Haendel và J.S.Bach, hai nhạc sĩ vĩ đại thời tiền cổ điển, cũng đã sử dụng cây kèn này trong một số tác phẩm của mình. Trombone cũng đã tỏ ra bi thảm, kịch tính trong bản Requiem của Mozart, trang nghiêm oai vệ trong opera Alceste của Gluck, nhà cải cách opera vĩ đại thuộc trường phái cổ điển Vienne. Bắt đầu từ Gluck, trong dàn nhạc opera nhất thiết phải có 3 kèn trombone và chúng thường xuất hiện vào lúc cao trào, đỉnh điểm của diễn biến kịch. Từ nửa sau thế kỷ 19, nhóm trombone trong dàn nhạc giao hưởng được bổ sung thêm một cây kèn trầm – kèn tuba. 3 cây trombone cộng với 1 kèn tuba hợp thành một dàn tứ tấu “nặng” của bộ đồng. Tchaikovsky đã sử dụng bộ đồng “nặng” này để tạo hiệu quả bi thảm trong chương kết của bản giao hưởng số 6 của ông.

Cây kèn này có thể chơi những nốt trượt (glissando) để tạo một hiệu quả rất độc đáo. Haydn – cha đẻ của hình thức cấu trúc liên khúc giao hưởng dàn nhạc giao hưởng, đã sử dụng thủ pháp glissando này trong thanh xướng kịch (oratorio) Bốn mùa của ông để bắt chước tiếng chó sủa. Ngày nay các nhạc sĩ sáng tác sử dụng khá phổ biến thủ pháp này trong tác phẩm, chẳng hạn đoạn trombone chơi glissando như rú rít trong điệu Múa kiếm ở vở opera Gaiannê của Aram Khachatourian, nhạc sĩ người ácmêni thế kỷ 20.

Trombone của các hãng Selmer, Courtois và Couesnon của Pháp thuộc vào số những nhạc cụ đ­ược ư­a chuộng trên thế giới.

Kèn tuba: Người ta cho cây kèn trầm thời cổ có hình thù ngoằn ngoèo như con rắn (gọi chung là serpent- rắn) là thủy tổ của kèn tuba. Thay thế cho loại kèn serpent cổ quái này, vào cuối thế kỷ 18 xuất hiện loại kèn trầm có tên gọi ofiklend (tiếng Hy Lạp nghĩa là mắt rắn). Nhưng thuộc tính âm thanh của những loại kèn này không tạo được cho bộ đồng trong dàn nhạc một bè trầm ổn định, vững chãi, một điều cực kỳ cần thiết cho âm hưởng chung của dàn nhạc. Người ta kiên trì tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo ra một loại kèn trầm đáp ứng được yêu cầu ấy.

Bởi vậy, so với những nhạc cụ khác trong bộ đồng, kèn tuba ra đời rất muộn, mãi đến năm 1835 mới xuất hiện ở Đức. Người chế tạo loại kèn này là ông Moritz theo yêu cầu của ông Tổng giám đốc Âm nhạc nhà binh của nước Phổ. Thoạt đầu vì ch­ưa thật hoàn chỉnh nên nó chỉ đư­ợc sử dụng trong các dàn kèn quân đội và các dàn kèn vư­ờn hoa. Sau nhờ công lao cải tiến của ông Adolphe Sax, nhà chế tạo nhạc cụ ng­ười Bỉ, nên tuba đã đư­ợc đư­a vào dàn nhạc giao hư­ởng. Từ năm 1840, ông Sax đã hoàn thiện và có thể nói là đã đổi mới hoàn toàn về phương diện âm thanh học và cơ học một loạt nhạc cụ thuộc dòng họ này, nên ông coi đây là sáng chế của riêng mình và đặt cho chúng một tên gọi chung là saxhorn ( trong này có chữ Sax là tên của ông). Thậm chí năm 1852 ông còn chế tạo một cây tuba cực trầm, đặt tên là saxtuba. Những kiểu đặt tên này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi, những vụ kiện cáo bất tận. Nhưng dẫu sao cũng đã ra đời 3 kiểu kèn tuba được dùng phổ biến trong dàn nhạc: kèn tuba 6 pistons, kèn bass-tuba và kèn tuba-ténor.

Tuba là nhạc cụ chơi thang âm cromatic, có âm thanh trầm nhất của bộ đồng, kích cỡ của nó rất lớn.Nó có âm vực rộng đến bốn quãng 8. Âm khu trầm của nó nghe khàn khàn, nếu thổi với sắc thái forte (mạnh) thì nghe như tiếng gầm gừ. Âm khu trung có âm thanh hùng mạnh, đầy đặn, âm khu cao mềm mại như ở kèn cor, nhưng hơi run rẩy.

Kèn tuba không nặng nề như người ta thường nghĩ. Ngược lại, ở âm khu trung, nó có thể đạt tới một sự linh hoạt đáng kinh ngạc. Nó có thể chơi ở sắc thái pp (rất nhỏ) ngay cả ở những âm trầm, và nếu cần, nó có thể bao trùm lên toàn dàn nhạc. Phải được nghe những nghệ sĩ kèn tuba thật giỏi, như nghệ sĩ J.B.Mari chẳng hạn, để có thể hiểu được tầm quan trọng của sự tiến triển đã diễn ra đối với lối chơi nhạc cụ này và những tiến bộ đã đạt được trong nhiều lĩnh vực liên quan đến cây kèn này. Các bậc thầy về kèn tuba, ngoài kỹ xảo tuyệt vời, đã tạo cho tuba một tiềm năng giai điệu và biểu cảm không thua kém cây đàn cello.

Nhưng dẫu sao, thổi loại kèn này rất tốn hơi, thường ở âm khu trầm cứ thổi một nốt nhạc, người nhạc công lại phải lấy hơi. Khả năng kỹ thuật của nó khá linh hoạt, trong dàn nhạc nó đảm nhiệm vai trò bè trầm cho bộ ba kèn trombone. Đôi khi nó cũng đ­ược trao cho vai trò độc tấu. Nhạc sĩ Pháp thế kỷ 20 Maurice Ravel khi phối dàn nhạc cho tác phẩm Những bức tranh trong phòng triển lãm của nhạc sĩ Nga Moussorgsky đã trao cho tuba diễn tấu bài hát chậm rãi của ngư­ời đánh chiếc xe bò cổ lỗ leo dốc (Bydlo – một chương trong tổ khúc Những bức tranh trong phòng triển lãm).

Trong gia đình kèn tuba còn các loại contretuba hoặc contrebass-tuba, rồi những loại kèn hélicon, sousaphone hoặc soubassophone rất được ưa chuộng ở Mỹ.

Gia đình này, ngoài một số thành viên được sử dụng trong dàn nhạc giao hưởng, nói chung rất được trọng vọng trong các dàn kèn fanfare và dàn kèn hòa tấu (harmony orchestra) vì đóng một vai trò quan trọng. 

Vũ Tự Lân

(Bài viết đã đăng trên “Tạp chí Nghe nhìn”)

Đàn Guitare

Thẻ

, ,

Ở châu Âu người ta coi đàn guitare là “hoàng hậu” của vương quốc cổ kính các loại đàn dây gẩy, trong đó có các đàn luth, đàn đômra, balalaica, đàn mandoline v.v… Trong tất cả các loại đàn dây gẩy, chỉ có đàn guitare là dành được vị trí vững chắc trong nhạc thính phòng.

Đàn guitare có xuất xứ cổ xưa lắm. Có nhiều giả thiết khác nhau về xuất xứ của cây đàn, nhưng đều công nhận cây đàn có nguồn gốc phương Đông. Trên tường các Kim tự tháp Ai Cập và công trình kiến trúc Assyrie cổ kính đều thấy có hình dáng cây đàn noble và đàn el-aud có hình dáng từa tựa đàn guitare. Loại đàn guitare cổ xưa đã theo chân những người ả Rập chinh phục đất Tây Ban Nha. Trong hành lang của nhà thờ Tôn vinh thánh Saint– Jacques–de-Compostelle và trong rất nhiều chữ trang trí ở đầu một chương trong bản thảo Cantigas của vua Alphonse le Sage, người ta tìm thấy những hình vẽ nhạc cụ giống với đàn guitare. ở đây đàn guitare đã trở thành nhạc cụ dân tộc của người Tây Ban Nha.

Vào thế kỷ 12, ở Tây Ban Nha cùng song song tồn tại 2 loại guitare: guitare ả Rập (Môritani) đáy cong, guitare La tinh đáy phẳng. Sang thế kỷ 14 và 15, guitare ả Rập ngày càng gần lại với loại đàn luth, được gọi tên là mandora. Guitare Latinh đáy phẳng chiếm ưu thế và đã có hình dáng giống như cây guitare thời nay. Vào thế kỷ 16 người ta bỏ lối chơi bằng que gảy, chuyển sang gảy bằng các ngón tay. Cũng trong thế kỷ 16, ở Tây Ban Nha đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu và bài bản cho guitare. Cuốn sách dạy guitare đầu tiên là của ông Juan Carlos Amat.

Sang thế kỷ 17, Italia là nơi guitare được phát triển mạnh, lấn át hẳn dàn luth. Hình thức đàn guitare lúc này đã gần với hình dáng guitare thời nay, đầu đàn không xoắn, mà phẳng, thùng đàn bé lại, trang trí cầu kỳ bằng xà cừ, ngà voi và gỗ mun chạm trổ. Nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn đàn guitare xuất sắc Gaspar Sanz đã viết sách nghiên cứu về đàn guitare, tổng hợp sâu sắc những hiểu biết về guitare, sử dụng nhiều thí dụ lấy từ âm nhạc dân gian. Nhưng cũng trong thế kỷ 17 và thế kỷ 18, cây guitare đã lan tràn khắp châu Âu, với những tên tuổi như Corbetta, Carulli, De Visée v.v…

Ở Pháp cũng có ông Franỗois Campion, nghệ sĩ đàn guitare nổi tiếng, đã soạn cuốn “Những phát kiến mới cho đàn guitare”.

Cuối thế kỷ 18, các nghệ sĩ guitare Tây Ban Nha đã sáng chế ra cây đàn guitare 6 dây, cải tiến từ cây guitare 5 dây tồn tại trước đó. Lối mắc dây 4 kép 1 đơn bị loại bỏ, bổ sung thêm 1 dây trầm, lên dây Mi, La, Rê, Sol, Si, Mi như bây giờ.

Từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, đàn guitare về cơ bản đã có dáng dấp của guitare thời nay, và được cải tiến nhiều về chất lượng âm thanh, về hệ thống phím đàn. Công lao lớn nhất thuộc về người thợ làm đàn người Italia Antonio De Tores, được mệnh danh là “Stradivari của cây đàn Guitare”. Ông là người đầu tiên cố định hình dáng và kích thước của đàn guitare. Hiện nay đàn guitare cổ điển tiêu chuẩn hoá được gọi là “đàn guitare của Tores”

Cũng giống như đàn piano, đàn guitare có nhiều khả năng chơi nhạc nhiều bè và không cần đàn khác đệm theo, ngược lại guitare có thể đệm cho hát, cho nhạc cụ khác. Hơn nữa nó lại gọn nhẹ, chuyên chở, mang đi mang lại rất thuận tiện, khiến nó được dùng nhiều trong đời sống thường ngày, nhất là để đệm cho hát. Sinh hoạt ca hát của các nước Tây Ban Nha, Italia, các trại digan sống du mục khắp châu Âu luôn gắn liền với cây đàn Guitare.

Bên cạnh vai trò đệm cho ca hát, guitare vẫn luôn giữ vai trò một cây đàn độc tấu, hoà tấu trên sân khấu. Trong thế kỷ 19, các nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng của chủ nghĩa lãng mạn như Weber, Berlioz, Wagner, Grétry đã sử dụng guitare trong tác phẩm như một thứ nhạc cụ tâm đắc. Bản Serenade nổi tiếng của Schubert cũng được chính ông chuyển soạn cho guitare.

Nghệ sĩ đàn violon kỳ tài Niccolo Paganini, đồng thời cũng là một cây guitare xuất sắc, đã từng nói “Tôi là ông vua violon nhưng đàn guitare là bà hoàng của tôi”. Trong khi chơi 2 nhạc cụ dường như chẳng có gì chung nhau này, một đằng là đàn dây kéo vĩ (ácsê), một đằng là đàn dây gẩy, Paganini đã áp dụng nhiều lối chơi của violon cho guitare và guitare cho violon. Bản thân Paganini đã viết trên 140 bản nhạc cho guitare độc tấu, 28 bản song song tấu guitare với violon, 4 tam tấu, 9 tứ tấu cho đàn dây kéo vĩ và guitare.

Ngoài ra các nghệ sĩ guitare Italia khác như Luigi Boccherini, Anton Diabelli cũng có công lao lớn trong việc hình thành loại hoà tấu đàn guitare. Còn Fernando Carulli lại là nghệ sĩ biểu diễn và nhà sư phạm nổi tiếng trong lĩnh vực guitare, ông là tác giả của hơn 400 tác phẩm cho guitare và cuốn “Sách dạy đàn guitare”, được tái bản nhiều lần sau khi ông chết.

Tây Ban Nha thế kỷ 19 cũng sản sinh ra những nghệ sĩ guitare kiệt xuất, nổi bật là Fernando Sor, được coi là “Paganini của guitare”, lưu diễn khắp châu Âu với cây guitare. Sáng tác và biểu diễn của ông chinh phục người nghe bằng sự truyền cảm, có chiều sâu và hoàn toàn làm chủ mọi tính năng của cây đàn. Bạn thân của ông, Dionicio Aguado cũng là nghệ sĩ guitare xuất sắc. Fernando Sor có tiếng đàn mượt như nhung do gẩy bằng phần mềm của ngón tay, còn Aguado lại có tiếng đàn lấp lánh, tươi sáng, dùng gẩy bằng móng tay. Ngoài ra còn phải kể đến những tên tuổi lẫy lừng như Carcassi, Mauro Giuliani, Huerta, Miguel Llobet; Llobet là người mở ra nhiều lĩnh vực mới cho guitare, đưa vào guitare kỹ thuật chơi phức điệu, một thứ kỹ thuật vốn cho đến lúc bấy giờ người ta vẫn cho là không thể dung hòa  với đặc tính của guitare.

Do sự lấn át của cây đàn piano, nên có thời gian vai trò cây guitare trên các sân khấu châu Âu bị lu mờ, chủ yếu nó chuyển vào sinh hoạt âm nhạc của quần chúng. Giới sáng tác chuyên nghiệp hầu như bỏ rơi guitare, chuyên tâm sáng tác cho piano. Riêng ở Tây Ban Nha, guitare vẫn được các nhà soạn nhạc chú ý, vì đàn guitare từ bao đời đã được coi là nhạc cụ dân tộc của Tây Ban Nha. Âm nhạc dân gian là nguồn nuôi sống, tiếp sức cho sự hồi sinh của cây đàn guitare trên sân khấu châu Âu vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Một trong những người đóng góp đáng kể nhất cho sự hồi sinh này là nghệ sĩ guitare vĩ đại Francisco Tarrega, người được công chúng và giới nghệ thuật suy tôn là “người biểu diễn giỏi nhất của các thời đại”, được coi là “Sarasate của guitare”. Pablo Sarasate là nghệ sĩ đàn violon kiệt xuất của Tây Ban Nha và Tarrega được coi là Sarasate của guitare. Tarrega đã học tại Nhạc viện Madrid từ năm 1874 đến 1847, đi biểu diễn tại Paris và London, được hoan nghênh cuồng nhiệt. Sau ông là  Ông đã tạo cho mình một phong cách riêng, cây đàn trong tay ông biến thành một dàn nhạc nhỏ. Những sáng tác cho guitare của Tarrega thời bấy giờ được coi là mẫu mực trong việc vận dụng mọi tính năng kỹ thuật và ưu thế của đàn Guitare trong việc thay đổi âm sắc.

Một nghệ sĩ guitare lớn của thế kỷ XX là Andres Segovia đã khai thác một cách thiên tài những cải tiến của Miguel Llobet, đưa kỹ xảo phức điệu ấy lên một mức dường như không ai vượt qua được. Ông là người đã bằng nghệ thuật của mình góp phần phá bỏ quan niệm coi thường đàn guitare do không biết tận dụng những khả năng ưu việt của cây đàn này. Ông nói “Không nên hạn chế chức năng của cây đàn tuyệt diệu này chỉ ở việc đệm cho dân ca, dân vũ và ca khúc”. Ông vận động nhiều nhà soạn nhạc lớn viết cho guitare, và đã hình thành một đội ngũ sáng tác cự phách cho đàn guitare, như Manuel de Falla, Castenuove – Tedesco, Turina, Roussel, Ponce và Joaquin Rodrigo…

Kể từ năm 1920 trở đi, đàn guitare phát triển khắp thế giới thành một trào lưu rầm rộ. Nhiều tác giả cỡ lớn chú ý đến guitare và sử dụng guitare vào trong tác phẩm của mình. Phần lớn các nhạc viện trên thế giới đều có bộ môn dạy guitare ngang hàng với các nhạc cụ khác.

Khó có thể biết chính xác đàn guitare đã vào nước ta từ bao giờ. Cũng có thể nó đã theo chân các nhà truyền giáo phương Tây đến Việt Nam từ xa xưa, không có tài liệu nào nói đến, nhưng chí ít thì nó đã là một nhạc cụ quen biết với người yêu nhạc Việt Nam từ những thập kỷ đầu thế kỷ 20. Các nhạc sĩ tiền bối của nền Tân nhạc Việt Nam, từ người nhạc công đến người sáng tác ai mà chả biết chơi guitare. Thời trước Cách mạng Tháng Tám, ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều thành phố, thị trấn trên khắp nước ta, guitare là một nhạc cụ phổ biến trong sinh hoạt âm nhạc của nhiều nhóm thanh niên vui chơi với nhau cùng với các cây mandoline, banjo, banjo alto…Nhiều lớp dạy chơi guitare đã được mở ra ở các thành phố. Sau này, khi nổ ra cuộc Toàn quốc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, cây guitare vẫn không thiếu mặt trong các nhóm Tuyên truyền Văn Nghệ, Tuyên truyền vũ trang, trong các trường Thiếu sinh quân, các đội Văn Công của các trung đoàn, sư đoàn bộ đội ta.Trường Âm nhạc kháng chiến (còn gọi là Trường Âm nhạc Việt Nam ở Việt Bắc, tồn tại được hơn một năm, 1950-1951) cũng có bộ môn dạy guitare. Giờ đây tất cả các trường trung cấp, cao đẳng âm nhạc, cũng như các nhạc viện đều có bộ môn guitare.

Từ khi trong sinh hoạt âm nhạc thế giới có thêm loại guitare điện tử, thì để phân biệt, ở nước ta người ta quen gọi cây guitare acoustique có bầu vang là “guitare gỗ” hoặc “guitare thùng”.

Giờ đây mức độ phổ biến của cây guitare Tây Ban Nha không còn được như trước, chủ yếu tập trung vào những Câu lạc bộ, những nhóm người yêu thích. Nhưng không phải vì thế mà cây guitare đã mất hẳn chỗ đứng trong sinh hoạt âm nhạc. Dẫn chứng là thành công của Đại Nhạc hội guitare toàn quốc lần I tổ chức tại Hà Nội năm 2002, và gần đây nhất là Đại Nhạc hội guitare toàn quốc lần II tổ chức tại đảo Hòn Tre, Khánh Hòa, với số thí sinh đông gấp đôi lần trước, có cả thí sinh Việt kiều về tham gia thi. Với trình độ điêu luyện hơn trong xử lý dàn bài diễn tấu, về nghệ thuật phân đoạn, phân câu, về sắc thái và tình tiết, âm lượng và âm chuẩn cũng như tính đồng bộ và ăn ý trong hòa tấu. Ngoài những tác giả kinh điển quen thuộc chuyên viết cho guitare như Carulli, Fernando Sor, Isaac Albeniz, Villa Lobos, Tarrega…, các thí sinh còn biểu diễn khá tốt những tác phẩm của các thiên tài bậc thày như J.S.Bach, F.Haendel, Beethoven, Mozart, Pâgnini… được chuyển soạn cho guitare.

Vũ Tự Lân

(Bài viết đã đăng trên “Tạp chí Nghe Nhìn”)

Bộ gõ

Thẻ

, , , , , , , , ,

       Tên gọi của nhóm nhạc cụ này trong dàn nhạc giao hưởng xuất phát từ phương thức phát ra âm thanh của chúng : gõ vào những mặt da được căng lên hoặc gõ vào những phiến kim lọai hoặc phiến gỗ. Nếu ta nhìn lên phía trái sân khấu hòa nhạc, là nơi người ta bố trí những nhạc cụ này, ta sẽ thấy những nhạc cụ to nhỏ, hình thù, chất liệu chế tạo ra chúng khác nhau.

Ngoài ra người ta còn chia các nhạc cụ trong bộ gõ thành hai nhóm lớn. Nhóm 1 là những nhạc cụ có âm thanh xác định như tanhpan (timpani), chuông phiến (campanelli), xilôphôn (xylophone), chuông to. Nhóm thứ hai là những nhạc cụ có âm thanh không xác định như tam giác thanh (triangle), trống con (tambour), cồng (tamtam), trống lớn (grosse caisse), xanhban (cymbale) và nhiều thứ khác nữa.

Vai trò của các nhạc cụ gõ không đa dạng như vai trò các nhạc cụ dây hoặc hơi : phần lớn chúng không chơi được giai điệu, những hợp âm nhiều bè. Nhạc cụ gõ thường được sử dụng để làm đẹp thêm âm thanh của dàn nhạc, khiến âm thanh dàn nhạc sáng rõ, bóng bẩy hơn, hoặc để làm nhiệm vụ bắt chước, chẳng hạn tiếng thần công, sấm chớp v.v. Nhưng chức năng đích thực của bộ gõ chính là tiết tấu.Không có nhạc cụ nào, bộ nào trong dàn nhạc làm nổi bật lên hình tiết tấu, tính co giãn, năng động trong âm nhạc bằng bộ gõ.

Chắc rằng nhạc cụ gõ là loại nhạc cụ cổ xưa nhất trên thế giới, và con người thời nguyên thủy trước khi biết các dâyđược căng lên cũng như ống sậy rỗng có thể phát ra âm thanh thì cũng đã biết tạo ra tiết nhịp bằng cách gõ vào những súc gỗ, vò đất sét nung hoặc ngay vào cơ thể mình. Cái trống thô sơ đã đi cùng con người trong suốt thời nguyên thủy. Đông, Tây cổ đại và châu Âu Trung thế kỷ, Phục Hưng đã biết đến nhiều nhạc cụ gõ. Nhạc cụ gõ thâm nhập vào các dàn nhạc opera và balê khá sớm theo nhu cầu của vở. Còn với dàn nhạc giao hưởng thì cho đến đầu thế kỷ 19 trong thành phần của nó chỉ có trống định âm (timpani). Nhưng cùng với sự phát triển của loại nhạc có tiêu đề, khi mà các tác phẩm giao hưởng thường được xây dựng dựa trên những đề tài cụ thể thì các nhạc cụ gõ bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở các buổi hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng.

Trong âm nhạc thế kỷ 20 vai trò của các nhạc cụ gõ trong dàn nhạc đã tăng thêm đáng kể. Nhiều khi âm sắc của chúng lại trở thành phương tiện để miêu tả tư duy âm nhạc. Trong vở opera Antigone của nhạc sĩ Đức Carl Orff số lượng nhạc cụ gõ được sử dụng lên đến con số 67 ! Thông thường chỉ cần 3 nhạc công để chơi tất cả các bè của bộ gõ thì ở vở này phải dùng đến 15 người. Còn năm 1961 ở Strasbourg người ta thành lập một dàn nhạc cụ gõ  140 chiếc, do 6 nhạc công sử dụng. Ngoài những nhạc cụ thường gặp còn có những loại hiếm thấy như những ống tre treo lủng lẳng, những trống sư tử…

Timpani (tanhpani – số nhiều của tanhpan – trống định âm)

Timpani là loại nhạc cụ rất cổ. Từ xa xưa các tổ tiên của nó đã có mặt ở châu á, châu Phi, Hy Lạp, La Mã…để dùng trong chiến trận, trong nhảy múa. ở châu Âu đã từ lâu lắm người ta dùng những timpani nhỏ cầm tay. Thời Trung cổ người ta đánh timpani ngay cả lúc cưỡi ngựa. Chỉ đến thế kỷ 15 những timpani cỡ lớn mới thâm nhập vào châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hunggari. Đến thế kỷ 17 timpani được đưa vào dàn nhạc.

Ngày nay hình dáng bên ngoài của các timpani giống như những cái nồi đồng đặt trên giá đỡ, có căng mặt da. Căng da bê hoặc da lừa được thuộc kỹ  trên miệng nồi bằng những ốc êcru. Khi đánh, người ta dùng hai dùi trống nhỏ đầu bọc nỉ mềm gõ vào mặt da. So với những nhạc cụ gõ có mặt da khác, timpani phát ra những âm thanh có độ cao cụ thể, xác định. Mỗi tanhpan chỉ chơi được một nốt nhất định. Trước khi chơi người ta điều chỉnh lại mặt da để có đúng cao độ cần thiết. Việc điều chỉnh này hơi mất thì giờ. Với loại trống hiện đại người ta dận lên các bàn đạp (pédales), ở loại tanhpan thời trước thì   vặn êcru để cho mặt da căng lên hay chùng xuống. Mặt da càng căng bao nhiêu, âm thanh càng cao lên bấy nhiêu. Nếu cho chùng hoặc căng mặt da quá mức, âm sắc có thể biến đổi.

Vì mỗi chiếc tanhpan chỉ chơi được một âm, cho nên để có được hai âm, từ thế kỷ 17 các dàn nhạc đều dùng một đôi tanhpan (cho nên timpani có nghĩa là những tanhpan). Vai trò của các timpani trong dàn nhạc khá là đa dạng. Các tiếng gõ của chúng nhấn mạnh tiết tấu của những nhạc cụ khác, tạo nên những hình tiết tấu lúc đơn giản, lúc phức tạp. Đôi dùi trống vê ròn trên mặt da các timpani giúp tăng cường âm lượng rất hiệu quả, đôi khi giống như tiếng sấm. Haydn trong oratorio Bốn mùa đã dùng timpani để thể hiện tiếng sấm. Nhạc sĩ người Đức thế kỷ 19 Giacomo Meyerbeer trong opera Những người Huygơnô đã sử dụng 4 timpani Sol, Do, Re, Mi tạo thành một chủ đề nhạc hấp dẫ, mang chất nhà binh. Đôi khi người ta trao cho các timpani diễn tấu một giai điệu nhỏ, chẳng hạn trong chương 1 bản giao hưởng số 11 của D.Shostacovich. Cũng có khi các timpani cũng chơi những hợp âm, như ở chương Cảnh ngoài cánh đồng trong giao hưởng Hoang tưởng của nhạc sĩ Pháp Hector Berlioz.

Campanelli (chuông phiến)

Có thể nói campanelli  là nhạc cụ thơ mộng nhất trong bộ gõ. Vốn thời xưa là những chiếc chuông nhỏ có độ cao khác nhau, về sau người ta thay chúng bằng một bộ những phiến kim loại to nhỏ khác nhau. Chuông phiến được xếp vào loại nhạc cụ gõ có độ cao xác định. Bộ phận chính của campanelli bao gồm một dãy thanh kim loại xếp thành hai hàng, âm sắc gần giống tiếng chuông, xếp trong một hộp bằng gỗ. Campanelli có hai loại : một loại dùng 2 dùi gõ vào (dùi gõ cũng bằng kim loại), một loại sử dụng hệ thống búa và bàn phím như cấu trúc của piano nhưng đơn giản hơn, trông như một chiếc đàn piano nhỏ xíu.

Đem so sánh thì loại dùng dùi kim loại gõ vào nghe âm thanh trong hơn, hấp dẫn, sáng lóng lánh như bạc, thánh thót, ngân nga. Nhưng với loại dùng bàn phím thì sử dụng được linh hoạt và nhiều kiểu hơn, phong phú hơn khi chơi những hợp âm, nhờ mô phỏng kỹ thuật đàn piano. Nhạc sĩ Đức thế kỷ 19 R.Wagner trong tác phẩm Những danh ca thành Nuremberg (Meistersinger von Nurberg) đã cho flute piccolo kết hợp với campanelli diễn tấu một giai điệu nhẹ nhàng, tươi sáng trên nền đệm của bộ dây. Nhạc sĩ Mozart trong Cây sáo thần đã dùng campanelli khi vai Papageno xuất hiện.

Xylophone (xilôphôn)

Chắc rằng  xylophone đã ra đời khi con người phát hiện ra nếu gõ vào một phiến gỗ thì phát ra được một âm thanh có độ cao xác định. Tại Nam Mỹ, châu á và châu Phi có rất nhiều loại xylophone cổ xưa. Cho đến nay ở châu Phi người ta vẫn dùng xylophone, thậm chí còn có những xylophone khổng lồ, phải 4 người cùng chơi.

Đến thế kỷ 15 ở miền Nam châu Âu người ta biết đến xylophone, là một nhạc cụ thông dụng của những ca sĩ hát rong. Mãi đến năm 1830 nhạc cụ này mới được hoàn chỉnh và trở thành một nhạc cụ dùng trong dàn nhạc. Việc cải tiến này nhờ vào công lao của ông Michael Gouzinov ở miền Nam nước Nga, vốn là một nhạc công tự học. Ông mày mò cải tiến nhạc cụ này, hoàn chỉnh nó và đem đi biểu diễn khắp nơi, khiến nó trở nên phổ biến.

Âm sắc của xylophone khá độc đáo, nghe hơi khô khan, rõ tiếng gỗ, sắc nhọn và không thể ngân vang, tạo cảm giác rỗng, lạnh. Xylophone ít được dùng trong các tác phẩm giao hưởng, vì dùng không đúng chỗ hoặc quá lâu dễ trở thành nhàm chán. Nhưng nó lại là một nhạc cụ rất kỹ xảo, có thể chơi những đoạn chạy lướt nhanh, vê dùi (khác với campanelli dùng dùi kim loại, xylophone dùng dùi gỗ), vuốt… Nhạc sĩ Nga thế kỷ 19 Rimsky-Korsakov dùng xylophone miêu tả tiếng con sóc nhấm hạt dẻ trong opera Chuyện kể về vua Saltan, còn nhạc sĩ D.Shostacovich dùng xylophone trong doạn miêu tả những bước chân của quân phát xít.

Chuông

Từ xưa chuông đã có mặt trong đời sống con người khi tế lễ, hội hè, hoặc dùng để báo động, báo nguy. Chính vì thế về sau do nhu cầu của tác phẩm cần miêu tả những tình huống, những trạng thái, những khung cảnh ấy,  nhiều nhà hát opera (đặc biệt ở Nga) đã đưa những chuông nhà thờ thực thụ vào trong nhà hát, đặt ngay sau sân khấu, tuy không phải sân khấu nhà hát nào cũng có chỗ để chứa những nhạc cụ quá to lớn đó. Cho nên, khi sự phát triển của âm nhạc có tiêu đề đòi hỏi những phương thức miêu tả đa dạng, các dàn nhạc giao hưởng ngày càng cần đến âm thanh của loại chuông này. Đến cuối thế kỷ 19 người ta đã phải sáng chế ra loại chuông có thể dùng trong dàn nhạc. Đó là một bộ những ống thép treo trên giá, mỗi ống có một âm xác định, dùng búa kim loại có bọc cao xu gõ vào để phát ra âm thanh. Nhạc sĩ Italia Giacomo Puccini đã dùng loại chuông này trong opera Tosca, nhạc sĩNga Sergei Procofiev dùng trong cantate Alexandre Nevsky…

Triangle(tam giác thanh)

Là một trong những nhạc cụ nhỏ nhất của dàn nhạc giao hưởng, chỉ  có một âm không có cao độ xác định. Đây là một thanh kim loại uốn thành hình tam giác, có một góc không dính vào nhau, mỗi chiều dài khoảng 20 cm, treo lên một sợi dây, dùng một đũa kim loại gõ vào các thành của nhạc cụ. Từ thế kỷ 15 người ta đã biết đến nhạc cụ này, thế kỷ 18 nhạc sĩ Pháp Gretri đã dùng nó trong opera của ông. Sau đó triangle trở thành một thành viên không thể thiếu được trong các tác phẩm của Mozart như Vụ bắt cóc từ hậu cung, Hành khúc Thổ nhĩ Kỳ…, hoặc trong tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác, kể cả Beethoven, khi muốn khắc họa màu sắc phương Đông.

Tuy không có độ cao nhất định, nhưng triangle được xem như một nhạc khí có âm vực cao, âm thanh trong trẻo, gây một cảm giác tươi mát, dịu, có lúc ngời sáng.

Tambour(trống con)

Tambour là một nhạc cụ được sử dụng rất đa dạng trong dàn nhạc giao hưởng. Thoạt đầu nó xuất hiện trong các opera thế kỷ 18 trong các màn mang tính chất quân sự, nhưng chẳng bao lâu sau nó còn được sử dụng trong những tình huống căng thẳng, kịch tính. Nó có tác dụng gây sự nhộn nhịp, một không khí trẻ trung, rạo rực, có tính chiến đấu.Nó còn có thể giúp vào việc tạo nhiều bối cảnh như tiếng sóng vỗ lao xao, tiếng ồn ào của đám đông, không khí hội hè…

Grosse caisse (gran cassa, bass drum – trống to)

Grosse caisse thường để trên giá gỗ, kích thước khá lớn (khoảng 70 – 90 cm), có hai mặt da. Có một loại ít dùng hơn, chỉ có một mặt da. Trống gõ bằng dùi gỗ, một đầu có bịt da hay dạ mềm. Vai trò của grosse caisse trong dàn nhạc khá là đặc biệt. Thoạt tiên người ta chỉ dùng nó trong loại “nhạc Thổ Nhĩ Kỳ”, nhưng từ đầu thế kỷ 19 người ta dùng nó nhiều nhằm những mục đích tạo hình bằng âm thanh, như bắt chước tiếng súng đại bác, tiếng sấm, gây bão táp, kích động mạnh, góp phần tạo cao trào kịch tính cho tác phẩm.

Tamtam

Là một nhạc cụ có xuất xứ từ phương Đông. Xuất hiện ở châu Âu trong thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp. Chẳng bao lâu sau người ta đưa nó vào dàn nhạc opera, và từ đó nó được dùng cả trong những tác phẩm nhạc giao hưởng vào những lúc bi thảm nhất.Tiếng tamtam vang lên có nghĩa là chết chóc, tai họa, là sự xuất hiện của những lực lượng siêu nhiên, thần thánh, là lời nguyền rủa, báo trước sự xuất hiện những biến cố khác thường.

Cymbales (Xanh ban)

Từ thời cổ đại người ta đã biết đến loại nhạc cụ này. Là loại đĩa lớn bằng kim loại, trong dàn nhạc giao hưởng người ta  thường dùng  cymbale treo cạnh trống lớn, còn nhạc jazz lại dùng hai cymbale úp vào nhau, điều khiển bằng bàn đạp (charleston) chân.

Vũ Tự Lân

(Bài viết đã đăng trên “Tạp chí Nghe nhìn”)

Thơ: Nói nhỏ với thầy

Nói nhỏ với thầy
Kính tặng thầy Vũ Tự Lân

Thầy ơi con nói nhỏ                                           Thầy đưa tay như múa
Chỉ mình thầy biết thôi                                      Chúng con nhìn say mê
Thầy bí mật, thầy ơi                                           Đôi tay thầy như kể
Đừng cho ai biết nhé!                                        Bao chuyện cùng chúng con

Thầy Hồng con gọi mẹ                                       Chúng con nhìn tưởng ngon
Thầy – con gọi là cha                                        Cũng đưa tay ra vẫy
Nhưng con thấy thầy già                                   Hóa ra không phải vậy
Gọi là ông thầy nhé?                                         Đứa vẫy ngược, đứa suôi

Ông tuy không còn trẻ                                      Chúng con học hơi lười
Nhưng nói nhẹ cười duyên                                Nhưng yêu thầy nhiều lắm
Đặc biệt ông rất hiền                                        Thầy ơi, thầy đừng giận
Đôi tay đầy phép thuật                                     Mà tội nghiệp chúng con

Ông vẫy tay một cái                                          Ngày mai chúng con thi
Rì rầm đoàn xe qua                                           Nếu có sai sót gì
Cha Lo ở rất xa                                                 Xin thầy hãy từ bi
Mà ngay như trước mặt                                     Thầy cho qua thầy nhé!

Cùng nhấc tay lên nhé                                      Thầy ơi con nói nhỏ
Đánh nhịp nhẹ nhàng thôi                                Chỉ mình thầy biết thôi
Bên song tuyết tan rồi                                      Thầy bí mật thầy ơi
Cho thùy dương soi bóng                                  Đừng cho ai biết nhé!

Hưng Yên 26.12.2009
N.T.H.K